dimanche 17 janvier 2016

La nuit du bûcher

Roma, mùa đông 1598, có một tu sĩ trẻ từ Avila đến để dự buổi thi hành án của Tòa Tra (Inquisition) đối với một người lạc giáo nổi tiếng Giordano Bruno, tại Campo dei Fiori. Câu truyện không thuật lại tâm lý của kẻ tử tội, mà dưới đôi mắt và các giác quan của một chàng tu sĩ trẻ đẩy nhiệt huyết, lịch sử của Tòa Tra, của các dòng tu như Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh, Dòng Tên dần dần hiện lên trong bối cảnh của thành Roma thế kỷ XVI, khi Giáo hội mạnh tay bênh vực đạo lý chính truyền của mình bằng các giàn hỏa thiêu. Buộc các kẻ lạc giáo, những người rao truyền một giáo lý khác với những gì mà Giáo hội công giáo gìn giữ và bảo vệ.
Suốt 250 trang viết liên tục không phân chia theo chương hồi mà liền một mạch từ đầu đến cuối, câu chuyện được chen vào bởi những khám phám của chàng tu sĩ trẻ về đời sống sinh hoạt của Roma. Những sinh hoạt, tổ chức, những điều mới mẻ qua con mắt và giác quan của một người đến từ nơi khác. Sándor Márai viết cuốn sách này vào năm 1974 trong thời gian lưu lạc đến Italia. Nhà văn người Hungari không chủ ý dựng lại vụ án Giordano Bruno vốn là biểu tượng của sự xung đột giữa lý trí và tôn giáo, giữa khoa học và thần học, như các vụ án khác của Galile, của Copernic, v.v… nhưng nhẹ nhàng dựng lên toàn bộ một xã hội Roma qua đêm đợi xử án trong từng chi tiết. Và qua đó, ta thấy một xã hội hiện đại của những năm 70 ở Đông Âu, cụ thể là Hungari, một thứ Tòa Tra khác đang tỏa bóng xuống toàn bộ đời sống của người dân các nước trong khối Sô Viết. Có cái chết êm dịu nhân danh công lý, nhân danh giáo điều, nó từ từ đưa người ta đến đoạn đầu đài của ý thức hệ toàn trị.
Đó là câu chuyện “đêm giàn thiêu” của nhà văn người Hung, Sándor Márai (1900 – 1980) mà các bạn có thể tìm đọc bản tiếng hung hay bản dịch tiếng pháp vừa mới ra mắt do nhà Albin Michel hối cuối năm 2015 với tựa đề “La nuit du bûcher”.

lundi 13 avril 2015

cơn khủng hoảng này có thể rất bổ ích

Phát biểu của cha Timothy Radcliffe trước Giáo sỹ đoàn Dublin, Ai-len

Vào tháng mười một vừa qua, Báo cáo Murphy (Rapport Murphy) đưa ra ánh sáng việc một số các giám mục Ai-len đã che giấu những hành vi lạm dụng tính dục đối với trẻ em của một số linh mục trong suốt hơn 30 năm1. Chính trong hoàn cảnh này, cha Timothy Radcliffe, tu sĩ đa minh người Anh, nguyên BTTQ dòng Anh em thuyết giáo, được mời thuyết trình vào cuối năm 2009 trước các thành viên của giáo sỹ đoàn của Tổng giáo phận Dublin (Ailen), để giúp các ngài suy tư nhằm đối diện trước tình trạng hết sức đau thương này.

Bản gốc tiếng anh của cha Timothy Radcliffe2

Hãy đến với ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề
(Mt 11, 25).

Thật là ưu ái và vinh dự cho tôi được ở đây giữa anh em ngày hôm nay. Tôi đã rất vui được cử hành một cuộc tĩnh tâm cho các giáo sỹ của tổng giáo phận này cách nay hai năm và tôi vui mừng vì lại được hiện diện giữa anh em một lần nữa. Đây là một thời điểm hết sức khó khăn đối với Giáo hội, tại Anh và Ai-len, nhưng còn hơn thế nữa đối với anh em vào lúc này.
Chủ đề của những ngày tĩnh tâm này là : “Hãy lui ra xa, và hãy nghỉ ngơi đôi chút”. Tôi tự nhủ rằng việc suy niệm bản văn của Mat-thêu gợi nên rất nhiều sự nghỉ ngơi : “Hãy đến với ta, hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, và ta, ta sẽ cho anh em nghỉ ngơi. Hãy mang lấy ách của ta, hãy trở nên môn đệ của ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và anh em sẽ tìm thấy sự an nghỉ. Đúng, ách của ta thì dễ dàng mang vác, và gánh của ta nhẹ nhàng”. Nên, tôi hy vọng rằng sẽ không nói đến những tranh luận về sự nghỉ ngơi và nếu anh em có an nghỉ đi nữa, thì đơn giản hãy tránh ngáy to tiếng !
Đức Giê-su nói với các môn đệ của mình : “Hãy đến với ta”. Đó là lời mời đến sự thân thiết. Các môn đệ được mời đến tìm kiếm sự an nghỉ trong tình bạn của ngài. Chính điểm này mà tôi mong muốn xem xét một chút. Cách thức mà chúng ta có thể, vào giai đoạn khó khăn này, tìm thấy sự nghỉ ngơi trong tình bằng hữu với Chúa.
Giáo hội đang trải qua một cơn khủng hoảng khủng khiếp, không chỉ duy nhất ở Ai-len, mà còn ở Anh, ở Hoa Kỳ và ở Úc. Tuy nhiên tôi cho rằng, như tôi đã nói đến trong cuộc tĩnh tâm này, chính khi đi qua những cơn khủng hoảng này mà chúng ta có thể tiến gần đến với Thiên Chúa. Những thời điểm tồi tệ nhất chưa từng được biết đến trong Israel là sự phá hủy Đền Thờ ở thế kỷ VI, việc bãi bỏ chế độ quân chủ và lưu đày bên Babylone. Israel đã mất tất cả cái mà nó đặt ra để làm nên căn tính của mình : việc tế tự, thể chế quốc gia và vương triều. Nhưng nó đã khám phá ra rằng Thiên Chúa chưa bao giờ gần gũi với nó như thế. Thiên Chúa hiện diện trong lề luật, nơi miệng lưỡi và trong lòng của những người dân, nơi họ ở, cho dù có cách xa Jerusalem. Ngày thứ hai, trong khi tôi chuẩn bị bản văn này, chúng ta đã hát kinh thần vụ Giờ Sáu : “Con vui thú với mệnh lệnh của Ngài/ và hết lòng yêu mến./ Mệnh lệnh Ngài, con giơ tay đón nhận,/ thánh chỉ Ngài, con sẽ ngẫm suy. ” (Tv 119, 47-48). Israel chỉ đánh mất Chúa để nhận ra ngài gần gũi hơn với điều mà họ chưa từng nghĩ tới.
Và Đức Giêsu, con người đầy bất ngờ này, đã hiện diện, phá bỏ luật yêu thương, ăn uống ngày sa-bát, đụng chạm đến những người ô uế và tiếp xúc với các cô gái điếm. Có vẻ như ngài đang cố gắng phá đổ mọi thứ mà dân này ưa thích, chính cách thức Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của họ. Nhưng đó là duy nhất vì Thiên Chúa muốn hiện diện theo cách thức còn thân thiết hơn nữa, như một trong số chúng ta, với dung mạo con người. Và mỗi thánh lễ, chúng ta nhớ lại cách thức mà chúng ta sắp mất ngài. Nhưng, một lần nữa, duy chỉ đối với việc lãnh nhận ngài còn gần hơn nữa, không như một con người giữa chúng ta nhưng như chính cuộc đời chúng ta.
Cuộc khủng hoảng đang nổi lên này là cơ hội để khám phá Đức Giêsu còn gần gũi chúng ta hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra. Tình trạng này là kết quả từ chính thất bại của chúng ta cũng như của Giáo hội, nhưng Thiên Chúa có thể làm từ đó một điều tốt, nếu chúng ta sống điều đó trong đức tin. Và chúng ta có thể vì thế mà an tâm. Một hôm tôi đang tán dóc theo thói quen về chủ đề này, một người anh em người Mỹ của tôi tặng tôi một chiếc áo T-shirt mà anh làm riêng cho tôi và trên áo có in hàng chữ “Không gì như một cuộc khủng hoảng tốt !”. Tôi định mặc ra đây để cho anh em xem, nhưng chiếc áo bị co lại cách không thể giải thích được và tôi không còn có thể chui được vào đó nữa !

Sức nặng gánh vác

Khi tôi còn là một tu sĩ sinh viên Đa Minh trẻ ở Blackfriars, Oxford, tu viện đã trở thành mục tiêu của một nhóm thiên hữu không chấp nhận những tham gia của chúng tôi với nhưng nguyên nhân hướng chiều có lợi cho cánh tả. Hai lần, những cá nhân này đã cho nổ giữa đêm khuya một vụ nổ nhỏ gây ra rất nhiều tiếng động ồn ào và tác động đến các cửa kính. Những vụ nổ đã đánh thức toàn bộ cộng đoàn, ngoại trừ cha Bề trên. Tôi đã khám phá với sự kinh ngạc những bộ đồ anh em mặc đi ngủ ! Pyjama, quần lót, không gì hết ! Cảnh sát và lính cứu hỏa đã đến. Tôi cuối cùng đã đi đánh thức Bề trên : “Fergus, tu viện bị tấn công, cha dậy ngay” “Có ai thiệt mạng không ?” “Không”. “Bị thương ?” “Không”. “Nếu vậy, thì để tôi ngủ và chúng ta sẽ xem xét vào sáng mai”. Đó là bài học thứ nhất tôi học được theo nghĩa quyền lực ! Đức Ki-tô đã chiến thắng. Chúng ta có thể sống bình an thanh thản cho dù có chuyện chi xảy ra đi nữa.
Câu hỏi được đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay là : làm sao sống cơn khủng khoảng này như thời cơ của ân huệ và đổi mới ? Chúng ta hãy tiếp tục nghiêng mình trước những lời của Đức Giê-su và nhìn xem những lời ấy gợi lên : “Hãy đến với tôi, hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, và tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi”.
Những tuần lễ vừa qua này, đối với phần lớn trong anh em đã phải cảm thấy rúng động dưới sức đè của gánh nặng này. Anh em hình như cảm thấy bị dồn nén bởi sức nặng của những vụ bê bối lạm dụng tình dục, bởi sự bất khả của nhiều vị giám mục trước vấn đề này trong suốt nhiều thập niên. Anh em hình như cảm thấy bị triệt hạ bởi cơn giận dữ của giới truyền thông, của một số giáo dân và còn tệ hơn nữa, bởi sự thất vọng, đầy buồn bã và đồng cảm, mà đôi khi họ làm chứng. Vào lúc này, mỗi khi tôi thuyết trình tại Anh, tôi thường ra về với tình trạng kiệt sức bởi cơn giận chống lại Giáo hội.
Làm sao chúng ta có thể phục tùng Thiên Chúa để ngài cất đi khỏi chúng ta sức nặng đang đè lên đôi vai của chúng ta ? Ngài nói : “Hãy đến với ta, hỡi tất cả những ai đang gồng gánh nặng nề”. Tất cả anh em : điều này có nghĩa rằng chúng ta, tất cả cùng nhau đến với ngài, với tất cả những ai đang đau khổ dưới gánh nặng nề. Chúng ta phải đến với ngài cùng với những người đang mang gánh nặng nề nhất, những nạn nhân của sự lạm dụng tình dục. Nếu chúng ta muốn đến gần với Chúa Giê-su, thì chúng ta phải giúp đỡ họ mang vác lấy gánh nặng của họ. Cử chỉ này có vẻ như là thêm vào gánh nặng phụ trội, nhưng rốt cuộc cũng sẽ cho phép cất gánh nặng đi khỏi đôi vai của chúng ta.
Tôi thú nhận rằng tôi sợ phải thực hiện việc này. Tôi sợ cơn giận và hình phạt của những người mà chúng ta đã bắt họ phải chịu những hành động tàn nhẫn. Khi tôi nghe nói về họ trình bày trên radio hay trên truyền hình, tôi hầu như không thể chịu đựng nổi. Tôi muốn tắt ngay tivi. Nhưng tình bạn hữu với Chúa kéo tôi tiến lên, cho dù có đau khổ, khi phải mang lấy gánh của họ, cũng như cơn giận dữ của họ và đau khổ của họ. Cũng như sự thất vọng và buồn phiền của Dân Chúa. Và chính những gánh nặng nề của những người anh em linh mục chúng ta những người đã lạm dụng những ngượi vị thành niên. Chúng ta phải giúp đỡ họ mang lấy gánh nặng này. Nếu chúng ta mang lấy gánh nặng của mỗi chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sự an nghỉ.
Theo Tin Mừng thánh Lu-ca, trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói với các môn đệ của mình : “Vì, thầy nói với anh em : để hoàn tất những điều Sách Thánh đã chép về Thầy : thầy sẽ bị kể vào chung số với những kẻ tội lỗi. Thực vậy, những gì liên quan đến Thầy sắp được thực hiện” (22, 37).
Nếu chúng ta muốn an nghỉ trong tình bằng hữu với Đức Giê-su, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị kể vào chung số với những kẻ tội lỗi. Một sơ Đa Minh tuyệt vời có quốc tịch Ai-len đã kể cho tôi về buổi họp mặt của đại gia đình có rất nhiều người tham dự. Và ở đó có một cây gia phả lớn, dưới mỗi cái tên là danh sách các con cháu. Dưới tên của vị nữ tu này cũng như dưới tên của người anh em họ của chị là linh mục nổi lên một dấu hỏi to tướng. Như để nói : “Này, chúng tôi không biết anh chị làm ăn thế nào”. Một ngày nọ, ở New York, vị giám tỉnh địa phương đã xin tôi đến gặp một người mà người này khẳng định đã bị xâm phạm tình dục bởi một tu sỹ Đa Minh đã qua đời từ rất lâu rồi. Thời gian tôi trải qua với ống ấy và bà vợ của ông là cực kỳ thử thách. Tóm lại, ông ta kêu lên rằng : “Chính anh đã làm cho tôi điều ấy !” Chúng tôi chính xác cùng tuổi với nhau. Tôi còn chưa từng nghe nói đến Dòng Đa Minh vào thời kỳ đó. Tôi định kêu lên : “Nhưng điều đó chẳng dính dáng đến tôi !”. Và thật hấp dẫn để bám vào những sự kiện được đảm bảo, chẳng hạn vào những nghiên cứu mà, tại Hoa Kỳ và Anh, cho thấy rằng trong thực tế những giáo sỹ khác thường có khuynh hướng tuân thủ bản án vi phạm hơn các linh mục công giáo, dù chính chúng ta cũng chịu mọi chỉ trích.

Thánh nhân và tội nhân

Một trong những cách thức tìm thấy sự an nghỉ hệ tại ở việc giải thoát khỏi gánh nặng buộc làm người đức hạnh. Thật là mệt mỏi phải thường trực cố gồng mình lên làm thánh. Các thánh thường nhắc đến những kẻ tội lỗi kinh khủng mà họ là, và những lời lẽ tuyên bố này thường với tôi có vẻ như rất là điên ! Thật quá tự phụ ! Nhưng, chú ý, họ ý thức rõ mối liên đới của họ với đám đông những kẻ tội lỗi bình thường.
Tổng giám mục Rembert Weakland, người đã phải từ chức theo sau vụ bê bối tính dục và tiền bạc, đã nhắc đến trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình hình thức giải phóng khỏi cơn khủng hoảng mà ông phải trải qua mang lại. Ngài cho biết : thánh nữ Thérèse Lisieux “một ngày nọ viết rằng ngài muốn giới thiệu với Chúa những bàn tay trống rỗng. Tôi tin rằng tôi biết cách riêng lúc này điều thánh nữ muốn nói qua những lời này. Tôi hiểu rõ biết bao bản chất con người thì mỏng dòn, biết bao nhiêu tôi cần sự ôm chặt lấy tình thương của Chúa”3.
H. G. Wells đã viết một điều mới mẻ về Phán xét. Một người tội lội nặng nề, vua Achab, kẻ thù của Élie, được đưa ra trước mặt Chúa để bị xét xử. Nhà vua thốt lên những tiếng kêu la và định cứu mình khi Thiên thần giữ sổ cái lớn tiếng đọc danh sách mọi tội lỗi của vua. Vua kết thúc bằng việc trốn vào tay áo của Chúa. Lúc đó bỗng xuất hiện một vị thánh ngôn sứ, chắc chắn là Élie. Ngài ngồi trong bàn tay của Chúa và lắng nghe những việc làm tốt với vẻ tự phụ. Rồi Thiên thần đi đến những hành động hơi đáng khen : “Sau một thời gian, vị thánh này bắt đầu chạy tứ tung trên bàn tay của Chúa ; chính ngài, cũng khẩn nài và van xin, dưới sự đả kích khắt khe chân lý khủng khiếp này ; như kẻ dữ, ngài tìm kiếm một nơi ẩn trốn trong tay áo của Chúa. Chúng ta có thể phân biệt điều đã xảy ra trong bóng tối của tay áo này. Hai con người ngồi cạnh nhau, bỏ đi mọi điều giả dối – như anh em, trú ngụ trong trang phục của tình bác ái Thiên Chúa. Và đó là chính là nơi mà đến lượt, tôi phải trốn vào”.4
Như thế, chúng ta hãy mang gánh nặng của mỗi người, của những nạn nhân, của những ai phạm vào những hành động tàn nhẫn, của Dân Thiên Chúa. Giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng mà nó hệ tại ở việc cố gắng khẳng định đức hạnh của chúng ta và tìm thấy sự nghỉ ngơi trong cánh tay áo của Chúa, với những kẻ đáng thương khác. “Hãy mang lấy ách của ta, hãy trở thành môn đệ của ta. […] Vâng, ách của ta dễ giàng, và gánh của ta nhẹ nhàng.”
Gánh của Đức Giê-su là Lề Luật của ngài. Trong Cựu ước (Hc 51, 26) và trong Do thái giáo của các ra-bi, Luật Torah là gánh nặng đè lên chúng ta. Như vậy tỏ ra tương phản với những người pha-ri-sêu “những người buộc những gánh nặng và chất lên vai người khác ; nhưng chính họ không muốn đụng ngón tay đến” (Mt 23, 4). Trái với điều của những người pha-ri-sêu, ách của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng.

Như những người Pha-ri-sêu

Nếu chúng ta đánh giá Giáo hội thân yêu của chúng ta trong những thế kỷ vừa qua, chúng ta thực sự có cảm giác rằng chúng ta cư xử như những người Pha-ri-sêu, khi đặt gánh nặng lên vai của dân chúng. Mặt này thường được kết hợp với thái độ đối với tính dục. Chúng ta nói với các gia đình đông con rằng không có bất cứ phương cách ngừa thai nào được cho phép, với người trẻ những người không có phương tiện kết hôn rằng họ phải kiểm soát hoạt động tính dục cách nghiêm ngặt nhất – hôn nhau không quá 10 giây – và với những người đồng tính rằng không có gì cho phép họ hết và họ phải xấu hổ với bản năng tính dục của họ. Nên, độc lập đầu đuôi với những giáo huấn của Giáo hội, những khuyến cáo này đã được những người tín hữu của chúng ta sống như gánh nặng nề. Và rồi họ khám phá ra rằng các linh mục những đã dồn ép họ lại phạm những tội liên quan đến giới tính theo cách còn trầm trọng hơn. Như những người pha-ri-sêu, khi không làm những gì mà họ rao giảng. Anh em có thể tưởng tượng ra cơn giận của một bà mẹ khi phải mang thai hết đưa này đến đứa khác và không còn có thể mang thai nữa, hay cơn giận của một bạn trẻ đồng tính, khi họ biết được về chính những gì mà một số các linh mục này đã gây nên tội !
Và cơn giận này còn bộc phát gay gắt hơn nữa khi ấu dâm trở thành TỘI liên quan đến giới tính. Trong xã hội thế tục như xã hội Anh, thực sự không có gì khác hơn. Chương trình Moral Meze, được BBC phát sóng tuần vừa qua, đã tập trung vào trường hợp của người phụ nữ được gọi là Người đẹp trong ngày (Belle de jour) và cô kiếm tiền để học tiến sỹ bằng cách “làm gái” bán thời gian. Phần lớn những khách mời của tiết mục này không tìm thấy điều gì để chống lại cô. Họ chỉ nhìn thấy ở đó một mối liên hệ theo hợp đồng giản đơn. Chúng ta làm những gì chúng ta muốn cho thân xác của chúng ta. Và phải chăng ác dâm không đúng là đã dự phần vào cốt lõi phức tạp của những kinh nghiệm tính dục ? Vì một lý do lạ lùng, tại Anh, nó có vẻ như hấp dẫn được tầng lớp thượng lưu của xã hội. Toàn bộ mối lo lắng xung quanh hành vi tính dục này, tất cả tình cảm nào đó không bình thường, toàn bộ nỗi kinh hoàng tập trung trên ấu dâm. Kẻ âu dâm là kẻ phạm tội nặng về tính dục, kẻ có tội duy nhất. Tôi không muốn bất cứ cách thức nào nhằm giảm nhẹ tính trầm trọng của tội ác thực sự ghê tởm và không thể tha thứ này, nhưng giúp để hiểu được cường độ của cơn giận này. Bạo hành tính dục đối trẻ vị thành niên, tôi nghĩ, là cột thu lôi cho tất cả mọi nỗi kinh hoàng của chúng ta liên quan đến sex và cách thức tách nó ra khỏi cái nhìn đạo đức.

Ý muốn của người thợ đồng hồ

Làm sao chúng ta làm nhẹ bớt gánh nặng đè trên những người khác và trên chính chúng ta ? Làm sao Đức Giê-su có thể giảng dạy cách thức chia sẻ ách của ngài, dễ dàng để mang cách nhẹ nhàng ? Nghe đây, chúng ta phải là người tốt và có lòng đồng cảm với những người khác và với chính chúng ta. Tôi chắc chắn rằng phần lớn đa số các linh mục của giáo phận này là như thế. Cho dù Herbert McCabe, một người anh em Ai-len, đã kể cho tôi rằng một ngày nọ, khi giải tội ở Dublin, anh ta đã mắng hối nhân kinh khủng ! Hối nhân này ra khỏi tòa giải tội, làm việc đền tội, rồi chờ đến khi linh mục ra khỏi tòa là xông đến mạt sát vị này còn dữ dội hơn nữa. Nếu ai trong quý vị muốn xưng tội, thì tôi sẽ sẵn sàng sau buổi thuyết trình này !
Tuy nhiên chúng ta cần cái gì đó còn triệt để hơn lòng tốt. Chúng ta cần đổi mới sự hiểu biết của chúng ta về điều có nghĩa là mang lấy ách của Các Điều răn của Chúa Giê-su. Chúng ta phải nghi vấn về ý tưởng chung theo đó luân lý tính trên hết là việc cấm và bắt buộc. Khái niệm theo đó là tốt lành trở về với việc thuần phục theo ý muốn của Vị Đại Hiến Binh (Grand Gendarme) trên trời đã bị vượt qua và sai lầm. Chắc chắn khi trút trách nhiệm lên Guillaume d’Okham5, nhưng còn xa với tôi như một tu sỹ Đa Minh ý tưởng về việc nhạo báng anh em Phan Sinh ! Tôi cho rằng cái nhìn luân lý chắc chắn này được áp đặt với thế kỷ của Thời Khai Sáng và nền văn hóa kiểm duyệt của nó. Thế kỷ của Ánh Sáng quan niệm thế giới và xã hội như một cơ chế trước khi được kiểm soát, hoàn toàn như chiếc đồng hồ. Và các luật lệ đạo đức phụ thuộc vào ý muốn của người thợ làm đồng hồ. Tốt hệ tại ở việc thuần phục ý muốn độc đoán của Chúa và Nhà nước. Để biết được điều gì bạn có quyền làm và điều gì bạn bị cấm.
Chúng ta phải đỡ đần cho mỗi người, bao gồm cả chính chúng ta nữa, khỏi gánh nặng nề này mà Vị Hiến Binh trên trời làm đại diện. Lúc khởi đầu, dù là trong dân Israel hay ở Giáo hội sơ khai, Mười Điều Răn không được nhận thức như ý muốn tuyệt đối của Chúa. Nếu chúng ta nhận thức được điều đó, thì một số trong chúng ta đây sẽ kết nối với với vấn đề của Bertrand Russell6, theo đó Mười điều răn phải được xem như những câu hỏi của một bài thi : không một thí sinh nào được vi phạm hơn sáu điều trong đó ! Trong Thế Chiến II, có một tu sỹ Đa Minh làm tuyên úy cho một trung đoàn quân Ba Lan. Đêm trước cuộc tấn công núi Cassin, khi ra khỏi trại, ngài thấy kinh hãi vì hàng ngàn binh sỹ đến xin xưng tội. Làm sao có thể thực hiện ? Vào thời đó, giải tội tập thể còn chưa được xem xét tới và hậu nhiên là còn bị cấm. Thế nên ngài mới mời tất cả các binh sĩ nằm úp mặt xuống đất, theo cách mà người này không thể nhìn thấy người kia. Rồi ngài nói : “Tôi sắp rảo qua danh sách Mười Điều Răn. Những ai đã phạm vào một điều răn nào thì giơ chân trái lên và chỉ cho biết bao nhiều lần bằng chân phải tội đã phạm”.
Mùa hè vừa qua tôi có một cuộc tranh luận hết sức thú vị với vị Rabbi đáng kính của nước Anh, Jonathan Sachs. Ngài đã dạy tôi rằng, trong sách Torah, không tồn tại từ mà khi dịch ra tương đương động từ “vâng phục”, theo nghĩa tuân phục ý muốn của ai đó theo một sự kiểm soát từ bên ngoài. Khi Nhà nước Israel được thành lập sau cuộc đại chiến thế giới, phải mượn đến một thuật ngữ trong tiếng Aram để diễn dịch khái niệm “vâng phục” trong sự chấp nhận hiện đại này. Trong thực tế, từ trong tiếng Do thái mà chúng ta dịch cách chung chung “vâng phục” có nghĩa “lắng nghe”. Mười Điều Răn không phải là một sự băt buộc cưỡng bức từ bên ngoài, nhưng luôn là một lời mời gọi cam kết với một mối quan hệ riêng tư với Chúa. “Ta là Yahvé, Chúa của ngươi, Người đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi nhà nô lệ. Người không được có thần nào khác ngoại trừ ta.” (Xh 20, 2-3). Những Điều răn dự phần vào tình bằng hữu của Chúa và vào sự tự do. Chúng được giao phó cho Moise, người mà Thiên Chúa đã nói chuyện như là bạn bè.
Cũng vậy với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su mặc khải Điều Răn mới của ngài cho các môn đệ vào đêm trước khi chết, vào chính lúc đó ngài tuyên bố rằng họ là bạn hữu của ngài. “Thầy gọi anh em là bạn hữu của thầy, vì tất cả những gì thầy biết nơi Cha thầy, thầy đã cho anh em hay” (Ga 15, 15)7.
Điều này giải thích một điều thực sự bất ngờ liên quan đến Đức Giê-su. Ngài ăn uống với các cô gái điếm và những người thu thuế ; ngài có những người bạn ít tin cậy. Ngài không chờ họ hoán cải để mời họ vào bàn dùng bữa với mình. Ngài không nói : “Nghe này Jeanne, một tuần nữa, con bỏ nghề đi, rồi con đến mừng lễ với ta” ! Ngài đơn thuần chấp nhận họ như họ đang là. Và tuy nhiên ngài rao truyền Bài giảng trên Núi. Ngài ra lệnh cho các môn đệ đưa má ra, yêu thương kẻ thù, không bao giờ được nổi giận, trở nên hoàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời. Ngài là người rất đòi hỏi.
Làm sao ngài có thể hòa giải hai phương diện này, tiếp đón không e dè, khoan dung bên ngoài, và ít nhất quá đòi hỏi ? Những đòi hỏi này là đòi hỏi của tình bạn của Chúa. Đó duy nhất trong khuôn khổ rất hữu hình của tình bằng hữu mà chúng ta có thể trao ban một giáo huấn luân lý.
Nên, đặc tính này có những hệ quả triệt để trên cách thức của Giáo hội giảng dạy một cái nhìn đạo đức. Điều chúng ta phải nói chỉ có nghĩa trong khuôn khổ của tình bằng hữu. Nếu quý vị muốn đề cập đến những vấn đề này như phá thai, ly dị và tái hôn, hay đồng tính luyến ái, thì chúng ta phải lưu ý đến những người liên quan. Chúng ta phải chấp nhận sự tiếp đón của họ và mời họ vào trong nhà của chúng ta. Khi tôi còn là sinh viên ở Paris, hồng y Daniélou chết trong thang máy, khi ngài đi thăm một cô gái điếm. Báo chí nói bóng gió với vẻ nghi ngờ. Nhưng tất cả những ai biết hồng y đều biết rằng phải nói đến một con người thánh thiện đã thực hiện nhiệm vụ của mình là đồng hành tinh thần nơi những người bị khinh chê, như ngài đã luôn làm điều đó. Ngài đã ban tặng tình bạn cho những người không được yêu thương.
Ách của Đức Giê-su thì dễ dàng mang vác và nhẹ nhàng vì nói đến sự ban tặng tình bằng hữu của ngài, và ngài chỉ có thể được chuyển đổi trong tình bằng hữu. Thực tế, điều phải được nói chỉ có thể được hiểu trong tình bạn. Chỉ duy nhất bên cạnh nhau, khi chia sẻ cuộc đấu tranh và cuộc điều tra, mà chúng ta đón nhận lời thích hợp nhất. Và lời này sẽ không bao giờ là gánh nặng nhưng là ân sủng.
Thông điệp này sẽ cực kỳ khó khăn để chuyển cho giới truyền thông. Họ thích những tuyên bố hay, đẹp và trong sáng, những tham chiếu là những vấn đề về cấm đoán. Nhưng phải nói rằng báo chí là sản phẩm thuần túy của tinh thần Ánh Sáng và văn hóa kiểm duyệt của nó. Điều này dẫn chúng ta đến một cách thức khác qua đó Đức Giê-su dạy chúng ta nghỉ ngơi và được bình an.
Tình bạn với Đức Giê-su, sự thân mật, nghĩa là học dịu dàng và khiêm nhường trong lòng. Nên, chúng ta sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn chúng ta. Nhưng tôi không chắc rằng khi ta nghĩ đến Giáo Hội công giáo, lời đầu tiên xuất hiện trong đầu là từ “khiêm nhường”. Thực vậy, tôi không tin rằng thuật ngữ này là đặc tính của mỗi giáo hội trong các Giáo hội mà tôi biết. Một ngày nọ, tôi tham dự vào một cuộc họp đại kết ở Bari và một vị tổng giám mục của một giáo hội khác đến gần tôi, ăn mặc lộng lẫy. Ngài hỏi tôi phải xưng hô thế nào đây : Quý cha nguyên BTTQ ? Quý cha đáng kính ? Quý Cha Timothy ? Trong lúc tinh nghịch, tôi trả lời rằng nếu ta muốn một cách rất chính thức, người ta có thể gọi tôi là “anh”. Rồi, ngài hỏi tôi đâu là biểu tượng của quyền lực của tôi với tư cách là Bề trên cả của Dòng. Phải chăng tôi đang giữ một hòm bí mật ? Một cây gậy như gậy giám mục ? Khi tôi trả lời rằng tôi chẳng có gì hết, thì vị giám mục kia bỏ đi và nói rằng, dĩ nhiên, tôi không xứng đáng để người ta nói với tôi những lời ấy.
Tôi cho rằng cơn khủng hoảng về tính dục này liên hệ chặt chẽ với vấn đề quyền lực và cách thức mà quyền lực này vận hành trong lòng Giáo hội ở mọi cấp độ, từ Vatican đến phòng thánh giáo xứ. Đừng nói đến quyền hành của Đức Giê-su, người luôn dịu dàng và khiêm nhường trong lòng. Tất cả những cơ chế của con người được tập trung trên cách dùng quyền. Thực sự tôi tin rằng với nền văn hóa kiểm duyệt có nguồn gốc từ thời Ánh Sáng, sự tuân thủ quyền lực bị hiểu sai. Charles Taylor, trong tác phẩm đáng chú ý A Secular Age8, lật lại sự phát triển của những yêu sách đối với quyền lực luôn ngày càng vươn rộng hơn. Chúng tôi thấy điều này thông qua sự lên ngôi của các vua trong chế độ quân chủ ở nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha, và sự phát triển của Nhà Nước trung ương tập quyền. Những người nghèo dừng lại để được nhận dạng như anh chị em của chúng ta trong Đức Ki-tô và trở nên một mối đe dọa. Họ phải bị giam giữ, như những bệnh nhân tâm thần. Chúng ta thực hiện quân đội chuyên nghiệp và những dịch vụ cảnh sát (service de police), và có một sự bùng nổ thực sự của sự lập pháp này.
Giáo hội, than ôi, thường bị chính nền văn hóa kiểm soát đạt đến. Tôi nhớ đến vị giám mục đã tuyên bố : “Chúng ta hoàn toàn bình đẳng trong giáo phận này, từ tôi cho đến người khiêm nhường nhất”. Và một người khác, nhân lễ tấn phong của người ấy, đã hứa phục vụ giáo phận với bàn tay sắt !
Tôi nghi ngờ rằng tất cả điều này phải liên quan đến việc Giáo hội, trong suốt hàng thế kỷ, phải đấu tranh chống lại các quyền lực của trần thế luôn tìm cách chiếm lấy nó. Từ Đế quốc La Mã cho đến các chế độ toàn trị, qua Đế quốc Anh, các đế quốc khác, Giáo hội luôn phải đấu tranh nhằm bảo vệ và duy trì sự làm chủ đời sống của chính mình, và thường kết thúc bằng việc thấm đẫm bởi chính nền văn hóa quyền lực này. Nên, chính nền văn hóa quyền lực ngự trị lúc khởi đầu của cơn khủng hoảng của các vụ lạm dụng tính dục, mà chúng đại diện cho sự lạm dụng quyền lực trên những người bé nhỏ và những người dễ bị tổn thương.
Chúng ta sẽ không có một Giáo hội vô hại cho giới trẻ như chúng ta học được từ Đức Ki-tô và chúng ta không trở nên một giáo hội khiêm hạ, trong đó chúng ta đều là con cái bình đẳng trước một Cha duy nhất. Đức Ki-tô sẽ cho chúng ta chỗ nghỉ ngơi cho tâm hồn chúng ta.
Trong Giờ kinh sách, tuần thứ nhất mùa Vọng, có một bài đọc tuyệt vời trích từ Sách Ngôn sứ Isaia. Bài đọc gợi hứng từ kinh nghiệm khủng hoảng và sự nhục nhã mà dân Chúa phải trải qua. Nhưng, đối với Isaia, kinh nghiệm này là lời hứa rằng họ lại chia sẻ chính sự sống của Chúa và bình an của Ngài ; “Vâng, đó sẽ là ngày của Đức Chúa đã giành sẵn để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, tất cả những gì tự cao tự đại : chúng sẽ bị hạ xuống, trị mọi cây hương bá Li-băng ngạo nghễ vươn cao, và mọi cây sồi xứ Ba-san, mọi quả núi ngạo nghễ, và mọi ngọn đồi vươn cao, mọi cây tháp cao vời và mọi tường lũy kiên cố.” (Is 2, 12-15). “trên khắp nui Si-on và tren những người hội họp ở đó, Đức Chúa sẽ tạo ra một đám mây ban ngày, một đám khói và ngọn lửa rực sáng ban đêm. Thật vậy, trên tất cả, vinh quang vinh quang của Chúa sẽ là tán che, là mái lều làm bóng râm ban ngày cho khỏi nóng, làm nơi nương ẩn khi bão táp mưa sa.” (Is 4, 5-6)

Một cơn khủng hoảng hiểu biết về hàng linh mục

Phải nói đến một cơn khủng hoảng khủng khiếp cho Giáo hội nhưng nó mang trên đó một lời hứa và những ân huệ, với điều kiện phải chấp nhận nó. Cơn khủng hoảng này vượt quá bên kia cơn khủng hoảng gây ra bởi những vụ lạm dụng tính dục đối với những trẻ vị thành niên của các linh mục và tu sỹ. Chính sự hiểu biết về hàng linh mục và về đời sống tu trì đang khủng hoảng. Cuộc Cải Cách đã là lời đáp trả cho cơn khủng hoảng xảy ra vào cuối thời Trung Cổ. Hình thức của hàng linh mục của chúng ta hoàn toàn bất khả để đối diện với một thế giới mới. Các giáo sỹ thực tế không được đào tạo đến nơi, chỉ có khả năng làm lễ và thường sống vợ chồng lén lút với phụ nữ. Chính các tu sỹ lại còn mờ ám hơn nữa. Một tục ngữ Tây Ban Nha khẳng định : “Đừng bao giờ giao túi tiền cho một tu sỹ dòng Tên. Và đừng bao giờ giao vợ cho thầy tu”. Nói khác đi, quý vị có thể để lại cho tôi túi tiền của quý vị với trọn niềm tin !
Cơn khủng hoảng này đã kéo theo một sự đổi mới kỳ diệu hàng linh mục, mà nó đi kèm với một linh đạo mới, các chủng viện mới, sự đào tạo thần học sâu sắc hơn, với những môn học mới. Nhưng sự đổi mới này thường cho thấy ấn tượng rằng chúng ta là những hoạn quan, là những sinh vật phi giới tính. Trẻ con sẽ tự hỏi rằng các nữ tu có cặp chân dài dưới tà áo dòng lòng thòng hay các sơ có thể di chuyển bằng pa-tanh không. Một ngày nọ, tôi giảng ở ngoài trời. Đang ứng khẩu trên bục giảng, tôi nghe thấy một em nhỏ nói với mẹ : “Mẹ ơi, tại sao ông ấy mặc váy ?”. Điều này đã làm vui nhộn cử tọa của tôi. Rồi một bản tay nhỏ vén phần dưới áo dòng của tôi : “Tốt rồi, mẹ ơi. Ông ta có mặc quần ở trong.”
Chúng ta sống cơn khủng hoảng hiểu biết về hàng linh mục, vì một thái độ xa cách với dân chúng, về sự sử dụng quyền lực và về sự áp dụng luân lý trong khuôn khổ kiểm soát. Cách đau đớn, Thiên Chúa phá bỏ những tòa tháp kiêu kỳ của chúng ta và sự tự phụ của chúng ta trước vinh quang và sự cao cả đối để có thể xây dựng ngôi nhà của ngài với chúng ta.
Phần lớn đa số các linh mục và các giám mục mà tôi gặp trên khắp thế giới là những con người khiêm nhường không tự phụ, những người chỉ mong ước được phục vụ Dân Chúa. Phần lớn các linh mục mà tôi biết mong ước được chia sẻ cuộc đời họ với các tín hữu và luôn sẵn sàng cho họ. Từ khi tôi bắt đầu du hành trong lòng Giáo hội, tôi cảm hóa sâu sắc điều này. Và tôi có cùng ấn tượng này khi gặp gỡ các linh mục của giáo phần này trong tuần tĩnh tâm này. Quý vị có thể rất tự hào về lòng khiêm nhường của quý vị. Và, thường, lòng khiêm nhường này còn ấn tượng hơn cả việc thách thức các cấu trúc và các truyền thống mà chúng phải đưa chúng ta lên những đỉnh cao và nâng chúng ta lên những tầm cao, với những danh hiệu quý giá, những trang phục kỳ diệu. Cơn khủng hoảng này hình như là khởi đầu của một cuộc đổi mới tuyệt vời của Giáo hội, qua đó chúng ta thực sự học được từ Đức Giê-su, “vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các người sẽ tìm thấy nơi an nghỉ”.

Các linh mục quá hành động

Lời cuối cùng tôi xin đề cập đến với quý vị là từ “nghỉ ngơi”. Đức Giê-su nói với các môn đệ khi họ kiệt sức : “Hãy đi vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”. Tôi hy vọng rằng thời gian trải qua với nhau ở đây sẽ là cho quý vị nghỉ ngơi và để cho quý vị chống lại cơn cám dỗ phải kiểm tra thư điện tử mỗi mười giây và chạy lăng xăng khắp nơi với chiếc điện thoại di động.
Chúng ta không thể trao ban lời hứa nghỉ ngơi của Đức Ki-tô nếu chính chúng ta không nhận ra chính mình như những cá nhân đôi khi phải biết đến tình trạng này. Các linh mục, dù sao, cũng thường quá hành động, nhưng cơn khủng hoảng hiện tại có nguy cơ làm trầm trọng thêm khuynh hướng này. Chúng ta hình như có cảm giác phải chứng tỏ rằng chúng ta là những linh mục đặc biệt tốt, nhằm phục vụ không ngừng những tín hữu của chúng ta, mà không giành riêng cho mình một giây phút nào. Phải nói đến ơn cứu độ bằng công việc, chứ không phải bằng ân sủng.
Thomas Merton đánh giá rằng quá năng động dẫn đến kết hợp với bao lực trong xã hội chúng ta : “Sự hối hả và những áp lực của cuộc sống hiện đại dưới một hình thức, có thể phổ biến nhất, của bạo lực nội tại của chính cuộc sống đó. Chúng ta để cho bị cuốn đi bởi nhiều mối bận tậm mâu thuẫn nhau, ngã ngục bởi quá nhiều lời xin xỏ, dính dáng đến quá nhiều dự án, muốn giúp đỡ tất cả mọi người rối tất cả những điều này quay trở lại đánh đổ với sự mãnh liệt. Còn tệ hơn nữa, phải nói đến sự hợp tác với bạo lực. Sự mãnh liệt của kẻ hoạt động là bão hòa khả năng riêng đạt đến sự bình an trong đời sống nội tâm. Nó phá hủy tính hiệu quả của công việc riêng của nó bởi vì nó giết chết đi những gốc rễ của sự không ngoan bên trong đem lại hiệu quả cho công việc”9
Nếu tính năng động đem lại bạo lực, thì điều này giải thích cách này hay cách khác. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta dùng những hình thức bạo lực riêng. Chúng ta dùng bạo lực cho chính chúng ta thông qua rượu hay ma túy. Chúng ta có nguy cơ trở nên bạo lực trên bình diện tình dục, đặc biệt với những con người dễ bị tổn thương.
Chúng ta cần, mà không phải xấu hổ, tìm được sự an nghỉ trong Chúa. Đoạn này rút ra từ tin mừng theo thánh Mát-thêu gợi lên một số cách thức mà chúng ta có thể tiến hành.
Chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi vì cơn khủng hoàng này có thể xác nhận có kết quả. Thời điểm của những lợi ích mới và một sự đổi mới của Giáo hội hình như đã đến. chúng ta có thể bình thản đối diện với nó, vì chiến thắng đã tới. Đức Ki-tô đã chết, Đức Ki-tô đã phục sinh, Đức Ki-tô sẽ trở lại. như Dietrich Bonhoeffer10 đã truyên bố điều này với người bạn của ông, giám mục giáo phận Chichester, Goerge Bell, trước khi bị Đức quốc xã hành hình : “Chiến thắng của chúng ta là chác chắn.”
Chúng ta có thể tìm thấy sự an nghỉ vì chúng ta không phải tự phụ, trái với những linh mục xấu xa, rằng chúng ta tốt kinh khủng. chúng ta có thể để cho rơi gánh nặng nề của chiếc mặt nạ đạo đức và chúng ta đến tị nạn trong cánh tay áo của Chúa.
Chúng ta có thể tìm thấy sự an nghỉ vì ách của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng. Những Điều Răn của ngài là lời mời gọi đến với tình bằng hữu. và tình bằng hữu đơi khi được đòi hỏi, nhưng nó không bao giờ là gánh nặng.
Và chúng ta cũng có thể bỏ rơi gánh nặng này mà nó hệ tại ở việc là những cá thể quan trong và mạnh mẽ.

1 Xem Documentation Catholique (DC) 2010, no 2443, tr. 317 và DC 2009, no 2427, tr. 694.
2 Dịch theo bản tiếng pháp của Christine Bouard-Schwartz trên Documentation Catholique 2010, no 2443, tr. 325 – 331. Tựa và các đề mục do DC đặt.
3 A Pilgrim in a Church : Memoire of a Catholic Archbishop, Cambridge 2009, tr. 5.
4 “Une vision de jugement dernier” trong Effrois et fantasmagories, H. G. Wells, dịch sang tiếng Pháp bởi Henry-D. Davray và B. Kozakiewicz, Mercure de France, 1911.
5 Guillaume d’Okham (khoảng 1285-9 tháng tư 1347), tu sỹ dòng Phan Sinh, triết gia, nhà logic học và thần học gia người Anh.
6 Nhà toán học và triết gia người Anh (1872 – 1970). Về điểm này, xem bài báo của T. Radcliffe, “Quelle forme pour l’Église de demain ? – Hình thức nào cho Giáo hội ngày mai ?”, đăng trên DC 2009, n. 2432, tr. 933-937.
7 T. Radcliffe, Je vous appelle amis, entretiens avec Guillaume Goubert, La Croix/ Le Cerf, 2000. Xem DC 2009, n. 2428, tr. 746.
8 Triết gia người Canada, tác giả của A Secular Age, Belknap/Havard University Press, 2007, 874tr.
9 Réflexions d’un spectateur coupable, Ed. Albin Michel, Paris, 1970.
10 Dietrich Bonhoeffer (1906 – 1945) là mục sư tin lành giáo hội Luther, thần học gia chống lại chủ nghĩa phát xít.

dimanche 12 avril 2015

vì niềm vui đã được đặt ở phía trước


Bài thuyết trình của cha Timothy Radcliffe, o.p., tại Hội Nghị Các Linh Mục Toàn Quốc ở trường Trung Học Digby Stuart, Roehampton, Anh Quốc, 27.9.2002

Hôm qua tôi đã trình bày với anh em rằng có một sự mâu thuẫn nội tại giữa một bên là làm một người linh mục và một nhà giảng thuyết với một bên là cứ phải sống trong một tình trạng chán nản dai dẳng. Chúng ta không thể nào là những người giảng thuyết Tin Mừng có sức thuyết phục, nếu như chúng ta cứ phải ngụp lặn năm này qua năm khác trong ưu sầu chán nản. Niềm vui là một phần trong ơn gọi của chúng ta, vì niềm vui là trọng yếu đối với ơn gọi làm người. Thôi thì thản hoặc chúng ta có thể thấy mình buồn phiền hoặc thậm chí nóng giận, nhưng sự chán nản lại đe dọa chính cuộc đời của chúng ta. Hôm qua, tôi đã lược qua đôi chút về đời sống tâm linh của linh mục, coi đó như là một lối sống chan hoà với cộng đoàn địa phương của mình. Tôi cũng đã nêu lên một số vấn đề thực sự có thể làm cho linh mục cảm thấy xuống tinh thần : những khó khăn trong việc lãnh đạo, tính chất mong manh của cộng đoàn giáo xứ, và sự kiện ngày này qua ngày khác cứ phải liên luỵ, cứ phải dính dáng vào biết bao thất bại và đau thương. Vậy chúng ta làm thế nào để có thể vẫn vui khi đối diện với tất cả những chuyện như thế ?
Hôm nay, tôi xin được lướt qua một loạt những vấn đề khác. Có thể đời sống của người linh mục tập trung vào cộng đoàn địa phương của mình, nhưng linh mục ấy cũng lại là người đại diện cho Hội Thánh phổ quát trước mặt cộng đoàn địa phương ấy nữa. Chính điểm này sẽ đưa tới những thách đố riêng và những động cơ tiềm tàng dẫn tới tâm trạng chán nản. Người linh mục có thể trình bày giáo huấn của Hội Thánh như thế nào nếu như giáo huấn ấy ra như xa vời đối với những kinh nghiệm của giáo dân mình ? Người linh mục có thể là đại diện trung thành cho Hội Thánh như thế nào nếu như chính bản thân người linh mục lại cảm thấy không thoải mái đối với một số những tuyên ngôn của Huấn Quyền ? Người linh mục có thể đứng trước Dân Thiên Chúa với lòng tin tưởng và niềm vui như thế nào khi chính mình lại biết rằng mọi người đều đã biết những lời tố cáo chống lại Hội Thánh qua các phương tiện truyền thông ? Tôi xin trình bày vắn tắt những vấn đề này, theo thứ tự khó khăn từ ít đến nhiều, và rồi xem chúng ta phải đối diện với những vấn đề trên thế nào mà lòng vẫn giữ được niềm vui. Xin cầu cho tôi biết trình bày cho ra !

Giữa “tảng đá và chốn khô cằn”

Một nguyên nhân gây đau thương và thậm chí chán nản đối với các linh mục, đó là khi thấy mình ở giữa một bên là cộng đoàn địa phương với một bên là Hội Thánh phổ quát. Phần lớn các linh mục rất chan hòa với cộng đoàn địa phương của mình. Chúng ta khám phá ra ý nghĩa chức linh mục của mình khi chia sẻ cuộc đời với những con người cụ thể ấy. Chúng ta chia sẻ những chiến đấu của họ, vui mừng khi họ chiến thắng, ở bên cạnh họ khi họ thất bại, và chúng ta được dưỡng nuôi nhờ đức tin của họ. Nhưng linh mục cũng còn là những người đại diện cho Hội Thánh phổ quát. Khi chúng ta giảng thuyết, chúng ta không được chỉ dán mắt vào những mảng riêng biệt nào mình ưa mình thích để truyền bá quan điểm của mình. Chúng ta được mời gọi để công bố Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy ngay là nhiều điều chúng ta phải giảng dạy lại ra như xa vời, không thể hiểu được và lại còn không thực tế đối với kinh nghiệm của giáo dân chúng ta. Lắm khi những người giáo dân nghe với cặp mắt đờ đẫn.
Rõ nhất là trường hợp liên can đến giáo huấn về luân lý và đặc biệt là về tính dục. Giáo huấn của Hội Thánh về luân lý tính dục vốn kiên quyết và minh bạch. Cái khó là, ở một vài nơi nếu không muốn nói là ở hầu hết các nơi, nhiều tín hữu chúng ta đang sống với họ hoặc không chấp nhận giáo huấn này, hoặc giả có thì lại thấy rằng khó hay thậm chí không thể sống được như vậy. Ở một số nơi trong xã hội của chúng ta, hoặc ở nhiều nơi khác trên thế giới, hầu hết người dân không sống đời sống tính dục trong khung cảnh đời sống hôn nhân, nghĩa là một đời sống mở ra đón nhận con cái. Hầu hết những người trẻ tôi quen biết đều hoặc là đang sống với người tình của mình, sử dụng các phương pháp tránh thai, hoặc ly dị, tái kết hôn hay đồng tính luyến ái. Thế thì có thể làm cách nào để sống đời linh mục của chúng ta hài hòa với những con người như thế, đồng thời cũng xây dựng cộng đoàn, một khi chúng ta được coi như những người đại diện công khai cho một quan điểm luân lý mà phần lớn người ta hoặc là không chấp nhận hoặc cảm thấy không thể sống được ? Về điểm này, tôi không có ý nói đến chân lý trong giáo huấn này của Hội Thánh, mà chỉ nhắm đến tính cách không thể hiểu được đối với hầu hết dân chúng. Có thể chúng ta yêu mến giáo huấn luân lý của Hội Thánh và xác tín sâu xa nữa là đàng khác, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy nản vì nhận thấy có một hố ngăn cách quá lớn giữa quan điểm luân lý chúng ta được mời gọi công bố với cuộc sống hiện thời của những người chúng ta đang sống với họ và sống cho họ. Nào, chúng ta đối diện với vấn nạn này. Thực mà nói, hầu hết chúng ta, nếu chúng ta ở vào hoàn cảnh của họ, có lẽ chúng ta cũng thấy mình đang ở trong cùng một tình trạng như họ hiện đang gặp. Tôi chắc chắn rằng tôi cũng như thế thôi !
Nỗi khổ trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan này một phần là vì nó đi ngược lại với ý tưởng về chức linh mục chúng ta khai triển ngày hôm qua. Chức linh mục của Đức Kitô đã được trình bày như là vòng tay ôm ấp những con người đang ở bên lề, những người đang ở trong tình trạng ô uế, những kẻ tội lỗi, những người lang thang phiêu bạt, những người yếu đuối và những kẻ lạc loài. Cử hành Thánh Thể và nhìn thấy quá nhiều những con người bị loại trừ như thế không phải chỉ là đau đớn sâu xa mà thôi. Chuyện đó còn ra như đi ngược với vòng tay rộng lớn muốn ôm trọn lấy cái kiếp nhân sinh loay hoay đổ đốn này, tức là chính ý nghĩa của Thánh Thể. Tất nhiên, về vấn đề này, “giải pháp mục vụ” là nháy mắt, là thúc cùi chỏ cũng xong. Nhưng khi nhìn vào vấn đề này để tìm một lối ra, hay đúng hơn là lối vào, cho biết bao nhiêu những con người như thế, tức thị ta lại thoáng thấy thất vọng và sợ hãi khi phải đối diện với vấn đề.
Một số nhà thần học luân lý bảo rằng, cái hố ngăn cách giữa giáo huấn của Hội Thánh với kinh nghiệm trong đời thường của dân chúng càng lúc càng sâu hơn kể từ thời Công Đồng Trentô. Ở thời Trung Cổ, thần học luân lý được coi như một sự khôn ngoan thực tiễn, không thể tách ra khỏi những kinh nghiệm sống. Sau thời Cải Cách, vì muốn cho rõ ràng và chắc chắn, thế là vấn đề lại thành ra trừu tượng và có tính cách diễn dịch nhiều hơn. Nó khởi đi từ những nguyên tắc tổng quát để đi tới những kết luận tổng quát, mà không hề để ý xem những người nam người nữ đang sống hiện nay như thế nào cho lắm. Theo vị thánh quê ở Aquinô, Luật Tự Nhiên là điều chúng ta phải khám phá không phải chỉ trong mạc khải mà thôi, nhưng còn qua kinh nghiệm nữa. Sau Công Đồng Trentô, Luật Tự Nhiên được trình bày một cách trừu tượng hơn và hiển minh hơn. Thế nhưng cái thành quả xa hơn này lại mở rộng thêm cái hố ngăn cách giữa quan điểm với thực tế. Người ta hay đổ lỗi sự việc này khi cho rằng sở dĩ như thế là do thần học luân lý của Dòng Tên chiếm ưu thắng. Nhưng tôi, một tu sĩ Đa Minh chính cống, tôi không hề đổ lỗi cho các anh em Dòng Tên, những người bạn hữu của chúng tôi !
Vậy, chúng ta có thể sống như thế nào trong cái khoảng không gian giữa quan điểm luân lý với những gì con người hiện nay đang sống mà không nản lòng nhưng thậm chí còn tràn đầy niềm vui ? Cha Tony Philpot kể lại là cách đây nhiều năm, ông đi dự cuộc nói chuyện của Đức hồng y Ratzinger tại Cambridge. Đó là một bài thuyết trình sâu sắc tuyệt vời về những nguyên tắc luân lý tổng quát. Nhưng đến khi Tony về lại giáo xứ mình, về lại nơi ăn chốn ở của những con người đang ngày đêm bon chen để sống còn, thì ở đấy những gì Đức hồng y đã nói chẳng có một tí ý nghĩa nào cả. Tony mô tả tình trạng này như là đang phải sống trong cái khoảng không gian giữa cái tổng quát với cái đặc thù, như là đang phải đong đưa giữa cái trừu tượng và cái cụ thể. Và đấy chính là nơi người linh mục được mời gọi tới để hiện diện. "Quả là … không thú vị khi phải ở vào cái khoảng không gian giữa cái tổng quát với cái đặc thù, giữa tảng đá và chốn khô khan cằn cỗi. Đúng là chẳng thú vị khi phải thuộc về cái thế giới chính thống, nhưng lại phải mất quá nhiều thời giờ và sức lực của mình với những người không chính thống, và thực ra là thuộc về cả cái thế giới của họ nữa. Tôi xin nói với những người đang chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục giáo phận biết rằng cái tâm hồn bị phân chia như thế chính là nỗi đau đặc trưng trong ơn gọi của chúng ta, và nếu như chúng mình cảm nghiệm được nỗi đau này, tức thị đó là dấu cho thấy chúng mình sẽ là những người linh mục tử tế”2.
Bước thứ nhất và là bước đúng, đó là biết rằng linh mục chúng ta là những người thuộc về một chỗ như thế. Vị trí ở giữa tảng đá và nơi khô cằn này là vị trí chúng ta đang sống ơn gọi của chúng ta. Tôi xin nêu lên bước thứ hai. Trung tâm đức tin của chúng ta chính là Lời đã trở thành xác phàm. Lời không bao giờ lại cứ ở trong tình trạng trừu tượng, tổng quát và xa vời. Lời của Tin Mừng vẫn cứ là đang đi tới một cuộc sinh ra mới, một cuộc chào đời mới, cho dù là ở Anh Quốc, Brazil hay Rôma đi chăng nữa. Là những nhà giảng thuyết, chúng ta đừng bao giờ chỉ trao đi lời trừu tượng. Chúng ta vẫn đang tìm cách đưa Lời của Tin Mừng đến chỗ sinh ra, đến chỗ chào đời, ngay bây giờ, trong cộng đoàn chúng ta đang sống này, qua ngôn ngữ riêng, trong những cơ cấu xã hội riêng, trong những thành công và thất bại, trong sự giàu sang thịnh vượng và nghèo khó riêng. Nhà giảng thuyết chính là bà đỡ trong tiến trình này. Nhà giảng thuyết lắng nghe Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, lắng nghe ngay từ bên trong nền văn hóa của riêng dân tộc mình, để xem Lời Thiên Chúa đang ra đời ở đây và lúc này, tươi xinh như một em bé, với nét mới mẻ vĩnh hằng của Thiên Chúa như thế nào.
Vì thế, sự chia cắt giữa giáo huấn của Hội Thánh với kinh nghiệm của những người đang sống với chúng ta đúng là một chuyện đau thương. Chính đây là nơi chúng ta được mời gọi đến hiện diện, với một tâm hồn bị phân chia, theo như cách nói của anh Tony. Nhưng chúng ta cứ phải ở lại đây để cho Lời mới được chào đời, sao cho bi kịch Nhập Thể lại có thể diễn ra một lần nữa trong chúng ta và qua chúng ta. Để được như vậy, chúng ta phải sống hài hoà thực sự với những người đang cảm thấy mình bị loại ra khỏi Hội Thánh do những hoàn cảnh “bất qui tắc” của họ chẳng hạn. Chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ – nếu như trước đây chúng ta đã không có mặt ở đó – để nghe bằng đôi tai của họ, để nhìn với cặp mắt của họ, để cảm thấy bằng làn da thớ thịt của họ, và theo nghĩa nào đó, để là chính họ nữa. Và rồi cùng với họ khám phá ra điều cần phải được nói lên. Thiên Chúa đã trở thành con người, chúng ta cũng phải như vậy. Sống trong sự chia cắt này, nghĩa là giữa cái trừu tượng với cái đặc thù, là đau thương thật, nhưng đó có thể lại là cơn đau đẻ. Và, như chúng ta ai cũng biết, sau cơn đau đẻ là niềm vui. “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì giờ của mình đã đến ; nhưng khi sinh em bé rồi, thì bà không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi niềm vui vì có một con người đã sinh ra trong thế gian (Ga 16,21).
Muốn kiên trì đứng thẳng làm cây thông mà lại sinh sản, chúng ta cần nhiều thứ. Một trong những thứ chúng ta cần nhất, đó là cần có nhau, cần sự nâng đỡ của các anh em linh mục bạn hữu của chúng ta. Chúng ta bị kẹt giữa hai cảm thức mạnh mẽ của việc chúng ta thuộc về ai này. Chúng ta thuộc về anh chị em của chúng ta, và còn là một với họ nữa. Nhưng chúng ta cũng lại thuộc về Hội Thánh phổ quát và còn là đại diện cho Hội Thánh phổ quát nữa. Trong tình thế căng thẳng này, chúng ta có thể được nâng đỡ nhờ một cảm thức mạnh mẽ là chúng ta thuộc về và với nhau. Có thể ví linh mục đoàn như thể một Liên Hiệp Các Bà Đỡ trong Hội Thánh ! Thường chúng ta hay bị rơi vào cái cảm thức cá nhân chủ nghĩa hơi cao về chức linh mục. “Ấy, mình là chánh xứ ở cái giáo xứ này đấy nhá. Mình cai quản giáo xứ này. Mình không muốn bất cứ ai xía vào cả, dù đó là các cha ở các giáo xứ lân cận, dù là Đức giám mục giáo phận, mà cả Rôma nữa”. Tất nhiên, linh mục giáo phận là phải mạnh đủ thì mới có thể đối phó nổi với trăm công ngàn chuyện. Phải là một đấng nam nhi không biết hãi sợ cô đơn. Tôi không biết nếu tôi ở vào hoàn cảnh như thế, tôi có đối phó nổi không. Tôi cần có một cộng đoàn, hoặc giá như không có cộng đoàn, thì tôi cũng đã phải lập gia đình từ lâu lắm rồi ! Tuy nhiên, sự cô độc như thế không được tôn lên hay để biện minh cho một thứ cá nhân chủ nghĩa sâu xa, một nỗi cô đơn bất khả đụng chạm, một thứ người hùng, một thứ nam nhi chí khí đầy tự mãn được. Chúng ta cần nhau. Tình huynh đệ của chúng ta với các linh mục bạn hữu của chúng ta là một phần thâm sâu trong những gì chúng ta là, và chính mối tương quan này nâng đỡ chúng ta trong cái cảm thức thuộc về hai bên vừa nói, tức là vừa thuộc về cộng đoàn địa phương lại vừa thuộc về Hội Thánh phổ quát. Tông huấn Pastores dabo vobis đã nói : “Thừa tác vụ theo chức thánh có ‘dạng thức cộng đoàn’ rất sâu xa, và chỉ có thể thực hiện được như là một ‘công việc tập thể’”. Ngày xưa, khi một em bé săp chào đời, mọi người phụ nữ trong làng quây quần chung quanh giường để phụ giúp công việc sinh nở. Đấy, chúng ta cũng cần sự nâng đỡ của nhau trong việc làm cho Lời Thiên Chúa được nhập thể ở đây và lúc này.
Điều vừa nói trên cũng hàm ý phải đón nhận Đức giám mục như là người anh em của chúng ta vậy. Trong Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (về chức vụ và đời sống linh mục) có viết rằng : Đức giám mục phải coi các linh mục trong giáo phận của mình là những người anh em và những người bạn hữu. Cha Tony Philpot còn nhấn mạnh rằng : nếu chúng ta phải có một mối tương quan huynh đệ đích thực với Đức giám mục của mình, thì điều ấy không chỉ hàm ý rằng người phải đối xử với chúng ta như là những người anh em mà thôi, nhưng chúng ta cũng phải xử sự với người như là với một người anh em nữa. Một số linh mục không muốn coi Đức giám mục như là một người bạn hữu hoặc một người anh em. Vì như thế là gần gũi quá. Một số muốn làm giám mục, còn một số khác lại muốn tránh giám mục. Một số muốn Đức giám mục phải là một người cha có khả năng giải quyết những khó khăn của mình và để giải trách nhiệm cho mình, rồi cũng là người để mình có thể trách cứ, có thể đổ lỗi khi có điều gì trục trặc xảy ra. Cha Tony còn viết : “Nếu Công Đồng Vaticanô II nói Đức giám mục phải xử sự với các linh mục như là những người anh em và những người bạn hữu, thì các linh mục cũng phải đi vào cung cách xử sự như thế. Một phần của việc coi người khác như những người anh em và những người bạn hữu của mình, đó là bạn cũng phải đón nhận những giới hạn của chính con người họ, và việc đón nhận những lỗi lầm và sự hoà giải là điều có thể. Con đường hai chiều là đây”3. Đây chính là nơi chúng ta phải học cho biết thế nào là lãnh đạo như tôi đã gợi ý hôm qua, bằng cách trở thành người đi bước trước. Sự kiện Đức giám mục không tới với chúng ta, chưa ra như là những người anh em và những người bạn hữu, không miễn cho chúng ta khỏi phải xử sự với người như thế. Chính chúng ta cũng phải thi hành việc lãnh đạo, vươn tới Đức giám mục, dám đi bước trước để cống hiến tình huynh đệ.

Sống trong chân lý

Tôi đã nói qua làm thế nào chúng ta có thể đối phó với nỗi vất vả khi phải sống trong cái hố ngăn cách không thể tránh được giữa giáo huấn của Hội Thánh với kinh nghiệm người giáo dân đang sống, giữa cái trừu tượng với cái đặc thù. Tôi cũng đã xin thưa rằng chính cái khoảng không gian ấy có thể lại là nơi để Lời sinh ra đời, cho nên nỗi đau thương vất vả lại có thể trở thành niềm vui. Điều đó sẽ trở thành khó khăn hơn, nếu chúng ta đi tới chỗ hồ nghi tính cách thích hợp, tính cách khéo léo hoặc thậm chí cả chân lý nơi một số tuyên bố của Hội Thánh. Đây là một đau thương kinh khủng mà rất nhiều người – giáo dân, linh mục và giám mục – đã phải chịu khi thông điệp Humanae vitae (Sự sống con người) được công bố. Điều này đẩy chúng ta đến chỗ chán nản sâu xa hơn nữa. Làm thế nào chúng ta có thể vẫn trung thành với Hội Thánh, với kinh nghiệm của anh chị em chúng ta và với cả trọn vẹn chức linh mục chúng ta ? Donald Cozzens đã viết rằng thách đố đối với nhiều linh mục chính là ở chỗ “làm sao để là những con người chân thực của Hội Thánh và đồng thời lại vẫn là con người của mình”4.
Điều quan trọng tiên quyết là đừng bao giờ nói những gì chúng ta không tin là thật. Đức Hồng Y Suhard đã viết rằng : “Một trong những việc phục vụ đầu tiên linh mục cống hiến cho thế giới là nói lên sự thật”5. Đây là điều Đức thánh cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta thực hiện trong thông điệp Veritatis Splendor (Ánh rạng ngời của chân lý). Trong một thế giới đang đói khát chân lý nhưng lại ngờ vực khả năng có chân lý, thì Đức thánh cha mời gọi chúng ta sống chân thật và trọng kính những lời lẽ, những ngôn từ chúng ta sử dụng. Nếu như lời lẽ ngôn từ của chúng ta không vang lên tính xác thực, thì người ta sẽ nhận ra ngay và sẽ thôi không còn kính trọng chúng ta nữa. Chúng ta sẽ đánh mất uy tín, thế giá của chúng ta để công bố Tin Mừng. Tính cách khả tín của chúng ta sẽ mất đi và uy tín, thế giá của Hội Thánh cũng bị vạ lây là suy yếu dần dần. Tệ hại hơn nữa, chúng ta sẽ đánh mất lòng tự trọng và đi đến chỗ khinh thường bản thân mình, từ đó đâm ra chán nản thật sự. Chúng ta nói sự thật như thế nào còn tùy thuộc vào bối cảnh nữa. Ta luôn luôn phải hỏi xem không biết người ta sẽ nghe như thế nào. Cách ta nói trong một bài giảng khác với cách ta có thể nói trong một cuộc họp báo, hoặc trong những lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, hoặc trong một buổi bàn bạc riêng tư với nhân viên của Vaticanô.
Cách đây hai năm, cuốn nhật ký của cha Yves Congar ghi lại những năm từ 1946 đến 1956 được xuất bản. Đây quả là một trong những cuốn sách thương đau nhất tôi đã được đọc. Một con người thông minh uyên bác, nhạy cảm và được kính trọng như thế lại từng cảm thấy mình như bị Thánh Bộ đóng đinh. Cha đã bị buộc phải im lặng, chịu hạ nhục và, tệ hại hơn cả đối với một người Pháp, bị gửi sang Anh Quốc để lưu đầy. Thế thì cái gì đã nâng đỡ cha trong suốt cái đêm mịt mùng tăm tối và đầy chán nản ấy ? Thưa đó là lòng tin tưởng rằng cuối cùng chân lý sẽ toàn thắng. Cha đã viết vào năm 1954, tức là vào thời điểm giữa cơn khủng khoảng : “Nói chân lý. Một cách khôn ngoan, không tạo gương mù vô ích hay báng bổ. Nhưng phải, và mỗi lúc mỗi phải nhiều hơn, là một chứng tá chân thực và tinh tuyền của cái là thật”6. Điều ấy đòi phải kiên nhẫn vô cùng. Và kiên nhẫn, theo thánh Tôma Aquinô, chính là trọng tâm của niềm hy vọng. Chúng ta cần khả năng kiên nhẫn chịu đựng của những con người tin tưởng rằng chân lý cuối cùng sẽ xuất đầu lộ diện.
Tôi tin rằng nói sự thật như thế đòi chúng ta hai điều : can đảm và khiêm tốn. Chúng ta cần lòng can đảm, vì nói sự thật sẽ không phải là điều lúc nào cũng được hoan hô, được đón nhận. Trong Hội Thánh, có sự sợ hãi phải tranh luận, và có thái độ ngờ vực, cho rằng nếu chúng ta thực sự bày tỏ những bất đồng của chúng ta, thì uy tín, thế giá của Hội Thánh sẽ bị xói mòn. Thế nhưng tôi tin là chẳng có gì làm cho uy tín, thế giá của Hội Thánh bị xói mòn nhiều cho bằng nỗi ngờ vực khiến chúng ta không nói được điều chúng ta tin. Không gì làm cho tính khả tín của lời giảng thuyết của chúng ta bị xói mòn cho bằng cái cảm thức cho rằng chúng ta là những con người nhát sợ, không dám đưa bước cho dẫu có thể là bước sai. Parrhêsia, nói năng dạn dĩ, của các thánh Tông Đồ nay ở đâu ?
Nhưng nói sự thật cũng đòi chúng ta một lòng khiêm tốn vô cùng, bởi vì chúng ta không thể nói như những người lấy sự thật để trói buộc người khác ! Chúng ta chỉ có thể đóng góp vào cuộc tranh luận mà thôi, vì tin tưởng rằng sự thật sẽ xuất đầu lộ diện, và cứ đóng góp dù có thể thấy té ra chúng ta không đúng. Chúng ta nói ra không phải vì chúng ta có những câu giải đáp cho bằng chúng ta góp phần khám phá ra những câu giải đáp. Và vì chúng ta tin rằng thực ra Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống tràn lan trên Hội Thánh, cho nên cần chúng ta không được quá lo lắng nếu như cuối cùng chúng ta có sai. Dân Thiên Chúa sẽ không dễ bị dẫn đi sai đường lạc lối đâu. Tôi có thể thảy thêm vào hai đồng penny nữa, tin rằng, nếu như có sai, thì cũng không đến nỗi làm cho mọi cái đều sụp đổ. Chúng ta không thể tìm ra sự thật trừ phi chúng ta dám đùa với những ý tưởng, thử đưa ra những giả thuyết điên rồ để xem chúng đưa ta đi tới đâu. Cứ đưa ra một ý nghĩ đi và thử thời vận. Nếu chúng ta không vui hưởng sự tự do – trong bất kỳ ý nghĩa nào của chữ vui hưởng – thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể kéo mầu nhiệm Thiên Chúa đến gần được.
Có một đường lối của linh mục để nói sự thật. Hôm qua tôi có nói rằng chức linh mục của Đức Kitô hệ tại việc mở rộng vòng tay ôm lấy những gì là xa cách, là tha thể và là xung khắc. Vì thánh Phaolô nói rằng Đức Kitô “là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một. Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14). Việc nói sự thật của chúng ta bao giờ cũng phải có khả năng chữa lành theo kiểu trên, phải phá đổ mọi bức tường ngăn cách. Nói sự thật theo kiểu này trực tiếp đi ngược với kiểu nói sự thật chúng ta đôi khi thấy nơi các phương tiện truyền thông, có khi là đối chọi, là gây hấn, là hãnh tiến kiêu căng, là “thẳng vào mặt”, là gây chia rẽ. Thực ra, việc nói sự thật của chúng ta có thể đưa chúng ta đến chỗ xung khắc với những người khác, và chắc chắn chúng ta sẽ bị hiểu lầm. Nhưng lúc nào cũng vẫn phải là vươn tới những người chúng ta bất đồng quan điểm, không được nguyền rủa họ, không bao giờ được chế nhạo họ, mà phải giải thích những gì họ nói cách tốt đẹp nhất có thể, và tìm cách khám phá ra sự thật trong những gì họ nói. Thánh Tôma Aquinô đã viết rằng chúng ta luôn phải chú ý đến cả những người chúng ta đồng ý lẫn những người chúng ta bất đồng như nhau. Phải thân ái với cả hai. “Chúng ta phải yêu mến họ, cả hai, những người chúng ta chia sẻ ý kiến của họ cũng như những người chúng ta bác bỏ ý kiến của họ. Cả hai đều đã nỗ lực truy tầm sự thật và cả hai đã giúp chúng ta khám phá ra sự thật”7.
Việc nói sự thật của linh mục này, với lòng can đảm và khiêm tốn, sẽ mang đến cho chúng ta đau khổ. Người ta ra sức để hoặc là bắt chúng ta vào phe của họ hoặc tố cáo chúng ta là những kẻ phản bội Hội Thánh. Có thể chúng ta thấy mình được phong thánh cách giả dối hoặc cảm thấy mình bị lăng mạ. Có thể chúng ta được thủ vai anh hùng hoặc vai phản diện. Thay vì lắng nghe xem hiện chúng ta đang nói gì, lời lẽ ngôn từ của chúng ta sẽ thường bị giải thích theo những thiên kiến của những người khác. Ông ấy khuynh tả hay khuynh hữu ? Ông ấy thuộc phía chúng ta hay thuộc phía họ ? Ông ấy chính thống hay lừng khừng ? Ông ấy có nguyên tuyền không ? Tất cả những điều ấy có thể là cám dỗ khiến chúng ta thôi thì im lặng là thượng sách ? Phải liều ? Hay là có một ai khác sẽ lên tiếng thay. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, ngôi mộ mới chính là chốn thinh lặng, và chúng ta không được để cho sự thinh lặng của ngôi mộ nuốt trửng. Chúng ta rao giảng Chúa Phục Sinh, Đấng đã phá vỡ cái thinh lặng của ngôi mộ. Thế cho nên chúng ta không thể lặng thinh được.
Cái đã nâng đỡ cha Congar trong thời gian đau khổ không phải chỉ là niềm tin của cha vào chiến thắng tối hậu của chân lý mà thôi, nhưng là cái cha gọi là “le fait des frères, enfin”, sự kiện là có những người anh em. Trên hết, chính là với những người anh em và những người bạn hữu mà cha có thể nói, biết rằng mình sẽ được anh em lắng nghe thậm chí anh em có không đồng ý với mình. Trong Hội Thánh, chúng ta đang rất cần có những nơi ở đó chúng ta có thể nói và lắng nghe nhau, với lòng tin tưởng, tín nhiệm, không sợ hãi. Chúng ta đang cần những khoảng không gian ở đó chúng ta có thể truy tìm chân lý cùng với những người thoạt đầu chúng ta không đồng ý. Chúng ta đang cần những khoảng không gian ở đó chúng ta có thể chia sẻ những xác tín sâu xa nhất của mình mà không hề lo lắng không biết mình có đúng, có chính xác không, ở đó chúng ta có thể dám sai, hy vọng rằng có ai đó sẽ đặt một chút chân lý vào trong những lời lẽ ngôn từ còn dò dẫm của chúng ta. Chúa đã bảo chúng ta rằng : “Sự thật sẽ làm cho anh em được tự do”. Thế cho nên chúng ta cũng cần những khoảng không gian ở đó chúng ta có thể tự do truy tầm chân lý.
Từng có nhiều chỉ trích phê bình Thượng hội đồng Giám Mục, vì ở đó có ít khoảng không gian để đối thoại cho sâu xa, như tôi biết vì đã được tham dự ba Thượng hội đồng rồi. Thế nhưng, trách những người khác, đặc biệt là trách các ông chủ, thì lúc nào cũng vẫn cứ là một việc dễ dàng. Đúng hơn, nên hỏi xem chúng ta có thể kiến tạo những khoảng không gian nào trong các giáo xứ, giáo hạt và giáo phận của mình để ở đó có thể nói một cách tự do thoải mái. Nói sự thật trong lòng mến là một nghệ thuật khó lắm. Chúng ta cần phải học. Chúng ta có thể kiến tạo một nền văn hóa nói sự thật ở chỗ chúng ta đang ở như thế nào ? Liệu chúng ta có chỉ nói những gì chúng ta tin tưởng với những người đồng ý với chúng ta mà thôi không ? Chúng ta phải kiến tạo những khoảng không gian nào để nói với những người bất đồng ý kiến với chúng ta ?
Cuối cùng, những khoảng không gian này có thể trở nên những nơi chốn của niềm vui. Những lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là những lúc tranh luận với các anh em của tôi, thưởng thức cái thú của sự bất đồng quan điểm, thưởng nếm niềm vui của việc tranh luận. Thấy mình không đúng cũng có niềm vui. Để nói về điểm này, tôi xin mượn đề tựa cuốn sách của James Alison, tôi chưa đọc, “Niềm vui khi thấy mình sai”.

Những chuyện tai tiếng

Trước khi tôi rời Anh Quốc mười năm trước đây, một trong những điều tôi thú vị nhất là được đọc báo thoải mái. Nay tôi thấy điều ấy chán phèo. Ngày nào tôi cũng thấy Hội Thánh bị đưa ra tố cáo. Chúng ta bị tố cáo vì đã thất bại không lên tiếng bênh vực người Do-thái trong Thế chiến thứ hai, bị tố cáo là thối nát, và trên hết linh mục và tu sĩ không ngớt bị tố cáo là lạm dụng tình dục. Ngày nào chúng ta cũng phải ra đứng trước vành móng ngựa. Đối với một người sống trong cộng đoàn, những lời tố cáo như thế đã đủ khó để chịu đựng, huống chi những người sống một mình thì hầu như là không thể chịu đựng nổi. Còn mặt mũi nào để gặp gỡ con người, vì xấu hổ, vì cứ phải thắc mắc không biết người ta đang nghĩ gì ? Vậy liệu chúng ta có thể chịu đựng được tất cả những chuyện ấy mà vẫn giữ được niềm vui như thế nào, hay chí ít cũng không đến nỗi hoàn toàn chán nản và suy sụp ?
Chúng ta phải chấp nhận chịu xấu hổ. Đức Giêsu đến kêu gọi người tội lỗi chứ không phải người công chính, và trong chuyện ấy Người thành công cực kỳ ! Đây là chuyện tai tiếng của Tin Mừng, đó là Thiên Chúa đã dựng nhà của mình với những cô gái điếm và những anh thu thuế, và nay thì Người cũng vẫn còn tiếp tục làm như vậy. Hội Thánh là thánh thiện, đúng như thế. Nhưng đó không phải là sự thánh thiện của Cựu Ước, tức là hàm ý tách biệt khỏi những người tội lỗi. Đấy là sự thánh thiện tai tiếng của Đức Kitô, Đấng đã mở rộng vòng tay ôm lấy những người ô uế, những người tội lỗi, những người thua thiệt và những người chết. Mang lấy sự liên đới với nhân loại tội lỗi là một phần trong việc chia sẻ chức tư tế của Đức Kitô.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nghe lời của ngôn sứ Isaia : “Người đã bị thoá mạ mà chúng ta nào có quan tâm gì tới, những đau khổ là của chúng ta, Người lại mang lấy hết, những buồn phiền là của chúng ta Người chịu lấy cả. Thế mà chúng ta lại cứ nghĩ Người là một kẻ bị Thiên Chúa trừng phạt, đánh đòn và hạ thấp”. Cho nên nhẫn nhục chịu đựng xấu hổ về những chuyện tai tiếng ấy có lẽ là cách để chúng ta chia sẻ cuộc thương khó của Đức Kitô, mang lấy những lời trách cứ, những lời tố cáo là những kẻ tội lỗi. Mỗi thế hệ đều có đường lối riêng để chia sẻ cuộc thương khó ấy. Thế hệ chúng ta thì có sự xấu hổ về tất cả những lời tố cáo trên, nhất là tố cáo lạm dụng tình dục. Hẳn nhiên, việc này tiên vàn có nghĩa là xưng thú các tội lỗi của mình và đi tới những nạn nhân, xin họ tha thứ. Và lẽ nào việc này lại chẳng có nghĩa là hiện diện bên những người linh mục bạn mình đã phạm tội, và ở bên những người anh em ấy trong những lúc họ phải chịu xấu hổ trước mặt mọi người ?
Tôi có cảm tưởng là trong cuộc họp tại Dallas, Hoa Kỳ, các giám mục Hoa Kỳ vì cảm thấy quá xấu hổ đối với chuyện tai tiếng ấy cho nên có lẽ các ngài đã hoảng mà đâm ra như thể ruồng rẫy những người phạm tội. Đức Kitô đã đứng bên những người tội lỗi như thế nào, thì chúng ta cũng phải như vậy. Tôi đọc thấy rằng có một vị giám mục chủ trương rằng giáo phận của mình không thể bồi thường những việc làm sai trái của các linh mục trong giáo phận mình được, vì các linh mục ấy là những người ký hợp đồng độc lập ! Một tờ báo địa phương nêu câu hỏi : Thế Đức Giêsu có tỏ ra Người như là một người ký hợp đồng độc lập không ? Chuyện tai tiếng lạm dụng là khủng khiếp. Nhưng có lẽ cũng là kinh khủng khi pha trộn chuyện tai tiếng ấy với chuyện tai tiếng là phân cách Hội Thánh chúng ta ra khỏi những người đã mắc tội lạm dụng. Tôi biết chuyện này sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp vô cùng, mà tôi không có một lời giải đáp rõ rệt nào. Đây không phải là lúc để đi sâu vào vấn đề này. Nhưng ít ra, chúng ta đừng để mình hoảng hốt mà đâm ra ruồng rẫy những người có tội. Điều này có thể cũng gây ra tai tiếng, nhưng có thể đó là tai tiếng của Tin Mừng.
Tôi xin thêm một nhận định nữa. Qua báo chí, tôi nhận thấy có một sự hàm hồ sâu xa về Hội Thánh. Đó là Hội Thánh vừa bị tố cáo lại vừa được kính trọng. Đức thánh cha Gioan Phaolô II vừa là một người đạt kỷ lục vĩ đại về chủ nghĩa tự do, lại vừa là người đưa ra đường lối lãnh đạo về luân lý mạnh nhất trên thế giới. Tôi có cảm tưởng là trong nước chúng ta, Hội Thánh có thẩm quyền về luân lý hơn bất cứ tầng lớp nào kể từ thời Cải Cách, nhưng các nhà báo lại sẵn sàng chộp bất cứ cơ hội nào có thể để làm cho Hội Thánh mất uy tín. Không hiểu sắp tới còn gì nữa ?
Có lẽ có hai chuyện : Trước hết, xã hội của chúng ta khát khao sự hướng dẫn lãnh đạo về luân lý, nhưng đó là kiểu luân lý của những người Biệt Phái (ít ra như được vẽ lên trong các sách Tin Mừng). Họ khát khao có ai đó đưa ra những qui tắc luân lý, không mơ hồ, và họ mong chờ chính Hội Thánh sẽ làm điều ấy. Nhưng rồi họ bị vấp phạm, giống như những người Biệt Phái, khi thấy rằng chúng ta cũng yếu đuối và tội lỗi. Họ mong mỏi ở chúng ta sự hướng dẫn lãnh đạo về luân lý, nhưng lại không thấy rằng trọng tâm của luân lý Kitô giáo chính là sự tha thứ, và Thiên Chúa lại chọn một lô những cá tính đầy nghi ngờ và và tội lỗi làm bạn hữu và làm người phục vụ. Phải chăng Hội Thánh đôi khi quá an tâm vì được người ta mong mỏi ở mình một cái gì đó, hướng dẫn lãnh đạo về luân lý chẳng hạn, đến độ lại không cống hiến được trọng tâm của chính luân lý Kitô giáo, tức là liên đới với những người tội lỗi chăng ? Liệu chúng ta có bị bắt ép hoặc bị dụ dỗ nhảy vào chơi cuộc chơi của một ai đó khác không ?
Tuy nhiên, có điều này còn mơ hồ hơn nữa : Cái trung tâm mua sắm vĩ đại chính là cái thế giới của chúng ta hiện nay. Bề ngoài ra như nó sẵn sàng thoả mãn bất kỳ điều gì tâm hồn con người khao khát. Mọi thứ người ta có thể cần đều được bày bán ở đây. Những khát vọng mới cứ luôn luôn được sáng chế ra để làm cho người tiêu thụ sập vào cái bẫy trung tâm mua sắm giăng ra mà tìm thoả mãn không dứt. Nhưng mà chúng ta lại bị cái giấc mơ muốn nhiều hơn thế nữa ám ảnh, mơ niềm vui không thể có được, rồi hạnh phúc không thể tưởng được, tức là những thứ không phải cứ tới Sainsbury mua là được. Hội Thánh vẫn còn nét hấp dẫn vĩnh cửu chắc chắn là ở điểm này. Hội Thánh đã và vẫn đang là ngôi nhà cho những con người mang đậm dấu vết của niềm vui đầy kích động như thế. Xã hội của chúng ta nhận thấy nét lôi cuốn vĩnh cửu nơi những con người như thánh Phanxicô Assisi hay Mẹ Têrêsa Calcutta, điều ấy cho thấy rằng cơn đói khát hạnh phúc mênh mông vẫn chưa chết hẳn. Từ sâu xa, chúng ta biết rằng trung tâm mua sắm rồi cuối cùng lại cũng sẽ thành nhàm thành chán.
Thế nhưng nếu các vị thánh ấy đúng, tức thị niềm vui đòi chúng ta một cuộc phiêu lưu anh hùng mà chúng ta không được sợ phải xông vào. Chúng ta biết rằng cuộc phiêu lưu mời gọi chúng ta bỏ lại đằng sau những thỏa mãn nông cạn của trung tâm mua sắm để lên đường. Và đây là điều dễ làm cho ta hoảng sợ. Tôi có ý nói rằng một số điều mơ hồ của báo chí về Hội Thánh phát xuất từ cái tâm hồn bị phân chia trên kia. Nó cứ ước ao muốn tin rằng niềm vui không thể tả, không thể tưởng là có thể có, nhưng lại sợ phải khám phá thấy niềm vui ấy đang ở đây này. Nếu niềm vui ấy là có thể, tất nhiên chúng ta phải khởi sự một cuộc hành trình vất vả gian nan. Đấy chính là nguyên do tại sao lại có cả một cảm thức nhẹ tênh khi thấy hoá ra các thánh cũng có những bàn chân bằng đất sét. Xét cho cùng chẳng cần lắng nghe họ. Nhẹ tênh như thế nào ! Jean-Louis Bruguès, một giám mục Đa Minh người Pháp, có viết rằng người xuất thân từ một miền đất vốn đức tin sâu xa nhưng chống chủ nghĩa giáo sĩ cũng lại mạnh mẽ không kém. “Người ta không hề khoan nhượng với linh mục tu sĩ, người ta muốn họ là những con người mẫu mực và không một yếu đuối nào của họ được dung thứ. Chỉ một lỗi nhỏ của họ thôi là người ta la toáng lên. Thế nhưng người ta lại mong được hiểu, được thông cảm thật nhiều đối với những lỗi lầm của người ta. Những người thánh hiến đã biến thành một vật thay thế cho sự toàn hảo mà đại đa số hằng mơ ước và xét thấy không thể có được”8. Tôi nghĩ rằng xã hội của chúng ta bị giấc mơ về một niềm vui tuyệt hảo ám ảnh, cho đó là không thể nhưng lại rất khát khao và cũng lại vừa sợ hãi vừa hy vọng khám phá được. Đó chính là căn nguyên của sự mơ hồ dính dáng đến Hội Thánh.
Đó là lý do tại sao khi đối diện với những lời tố cáo, xấu hổ và tai tiếng, chúng ta cần phải giữ lấy giấc mơ về một niềm vui ra như không thể được như thế trong tâm hồn chúng ta cho sinh động. Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ đầu hàng và tìm thỏa mãn trong những chuyện vặt vãnh. Tôi nhớ là vào năm 1965 khi tôi vào Dòng, lúc đó tôi mới hai mươi tuổi, còn trẻ, tôi mơ mình sẽ trở nên thánh thiện, có lẽ lúc đó tôi còn mơ trở thành một ông thánh nữa cơ. Rồi đến một cảm thức khủng khiếp khi khám phá thấy rằng vào cuối thập niên sáu mươi thì một ý tưởng như thế đã lỗi thời rồi. Bây giờ thì chúng ta lại mong mỏi sự công chính của Vương Quốc. Muốn trở nên thánh thiện hình như bây giờ lại bị xem là hơi ích kỷ và qui ngã. Thật là nhẹ tênh khi ra như không còn gì câu thúc ta vào cuộc vật lộn để nên thánh thiện nữa. Tuy nhiên, thánh thiện kiểu đó chỉ là mây bay gió thoảng không thể duy trì được lâu. Nhà giảng thuyết phải để cho niềm vui nhiệm mầu đụng chạm tới, niềm vui ấy chính là sự thưởng nếm Vương Quốc trước vậy. Nhưng mơ một niềm vui như thế sẽ không thể nào thành hiện thực được nếu không có một cuộc biến đổi chính bản thân, cho nên, giống như thánh Âu Tinh, tôi thấy mình cũng phải thưa với Chúa : “Xin làm cho con nên thánh, nhưng chưa phải ngay bây giờ”. Nếu ngay bây giờ chúng ta chỉ sống với một chút xíu niềm vui của Vương Quốc thôi, thì niềm vui ấy sẽ lây lan rất mạnh và chúng ta sẽ có thể cống hiến lời giảng tuyệt vời hơn bao giờ hết. Nhưng như thế lại có thể khiến cho người ta không tin, nghi ngờ và tố cáo, như Đức Giêsu đã phải chịu khi Người tiệc tùng với các cô gái điếm và những người thu thuế.

Đừng quên cốt truyện !

Suốt hai bài nói chuyện vừa qua, tôi đã nói rằng niềm vui ở ngay chính giữa ơn gọi linh mục chúng ta. Vào thời điểm này, có đủ thứ nguyên do giải thích tại sao chúng ta lại cảm thấy chán nản, và đôi khi tất cả chúng ta không thể thoát khỏi ưu sầu được. Tuy nhiên, Tin Mừng chúng ta có nhiệm vụ rao giảng qui tụ chúng ta trở về với niềm vui. Tin Mừng cũng đánh thức nỗi buồn phiền và nóng giận trong con người chúng ta, nhưng không có sự chết hay chán nản hoàn toàn. Vì như thế là đi ngược với chính ý nghĩa của cuộc đời chúng ta.
Làm cách nào chúng ta có thể duy trì hoặc làm sống lại niềm vui đó ? Hôm nay tôi chỉ xoay quanh một số thách đố mà linh mục chúng ta đang phải đương đầu trong khi chúng ta sống hài hoà với Hội Thánh phổ quát. Và tôi đã cố gắng, tuy rất là khập khiễng, để nêu lên cho thấy làm thế nào để trong mỗi một trường hợp chúng ta đều có thể khám phá ra những tia sáng le lói của niềm vui. Hố ngăn cách giữa giáo huấn của Hội Thánh, nhất là giáo huấn về luân lý, với kinh nghiệm của xã hội chúng ta quá lớn đến nỗi có thể làm cho chúng ta cảm thấy như là phải gánh một gánh nặng giáo huấn xem như xa vời, không thể hiểu và không thực tế. Chúng ta đang sống trong cái hố ngăn cách đó với một tâm hồn bị phân chia. Tuy nhiên, có thể đấy lại chính là nơi sinh nở, nơi Lời trở thành xác phàm theo một cách thức mới, nhập thể một cách thắm tươi vào thế giới phàm tục của chúng ta. Sinh nở vẫn luôn luôn là vất vả đau đớn nhưng cuối cùng là vui. Chúng ta phải có sự kiên nhẫn của các bà đỡ. Chúng ta nói chuyện tầm phào quanh chiếc giường. Nhưng là kiên nhẫn chờ đợi.
Rồi đến cơn đau dữ dội hơn, ấy là khi một số trong chúng ta đâm ra ngờ vực một vài tuyên ngôn chính thức của Hội Thánh. Vậy, chúng ta có thể giảng dạy mà vẫn không mất đi tính cách toàn vẹn và lòng trung thành của chúng ta như thế nào ? Chúng ta cần mở ra những khoảng không gian dành cho việc đối thoại trong Hội Thánh, ở đó chúng ta có thể cùng nhau tái khám phá niềm vui của việc đi tìm chân lý, và cả niềm vui vì không sợ lỡ có sai. Sau hết, chúng ta chia sẻ nỗi nhục nhằn và xấu hổ trong những lời tố cáo chống lại Hội Thánh chúng ta yêu mến. Ở đây, chúng ta phải dám nên giống như Đức Kitô, “Đấng vì niềm vui đã được đặt ở phía trước, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Hr 12,2).
Chúng ta có thể nuôi dưỡng niềm vui ấy như thế nào ? Chúng ta phải bám sát cốt truyện ! Cốt truyện thật là cốt truyện chúng ta đi vào khi chúng ta chịu phép thánh tẩy : cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Chính chúng ta sẽ kể câu chuyện gì ? Bi kịch nhờ đó chúng ta sống là bi kịch nào ? Phải đó là câu chuyện đi tìm niềm vui trong việc tiêu thụ ? Chúng ta là những thành viên của một xã hội sống bằng những câu chuyện khác nhau. Thực vậy, xã hội phương Tây ở vào đầu Thiên niên kỷ thứ ba là một xã hội thượng tôn những câu chuyện thị trường, chợ búa. Thế giới theo chủ nghĩa tư bản cổ xưa, sản xuất hàng hoá và đem bán, nay biến mất. Ngày nay, kỹ nghệ rộng lớn nhất là giải trí, là bán những bi kịch nói về “xã hội kinh nghiệm” mới của chúng ta9. Cuộc sống đang trở thành trò giải trí và câu chuyện đặc trưng của nền văn hóa chúng ta chính là các soap opera10. Cái gì cũng đều được chuyển đổi thành soap opera đang diễn, đấy chính là nền văn hóa phương Tây. Chuyện nổi, chuyện chìm của các ngôi sao, của các nhân vật danh tiếng, chuyện những vụ tai tiếng của các chính khách, chuyện tội lỗi của các linh mục tu sĩ. Mọi chuyện đều được chuyển đổi thành sản phẩm đang diễn của “Con Đường Đăng Quang”, tức là câu chuyện của cuộc đời chúng ta. Đây là những bi kịch hình thành nên tâm thức chung của chúng ta cũng như nên hình ảnh của Hội Thánh. Thành công và thất bại của chúng ta cũng trở thành một phần của kỹ nghệ giải trí nốt.
Trong những câu chuyện này, không hề thấy đá động gì tới vận mệnh tối hậu của nhân loại. Những điều không tưởng nay đã biến mất. Đây là một xã hội với một chút xíu ý nghĩa về tương lai. Chúng ta đang sống trong Cái Bây Giờ. Người ta cho bảo rằng “tương lai đang được rút ngắn lại để trở thành cái ngắn hạn của hiện tại, cái tương lai đó chúng ta có thể suy ra từ cái hiện tại này, cái tương lai đó chúng ta đã định vị được rồi và đã sắp xếp được nó rồi”11. Câu chuyện dài duy nhất đang bắt đầu hình thành tâm thức của nhân loại chính là câu chuyện về hành tinh này. Câu chuyện kể rằng có thể xảy ra thảm họa sinh thái và chắc chắn trái đất bị chết cóng. Nhưng đấy không phải là câu chuyện đem lại cho cuộc sống nhân loại một ý nghĩa nào cả. Xét như một nền văn hóa, chúng ta không có một câu chuyện dài nào để kể về nhân loại cả. Lịch sử đã kết thúc. Đấy chính là lý do tại sao soap opera lại là nét đặc trưng của thời đại, vì đó chỉ là hồi này tiếp nối hồi kia, không có hậu.
Một lão phụ sa mạc đang ngồi ở lối vào túp lều của ông, chợt ông thấy đám thanh niên đi qua, cười đùa chọc ghẹo nhau. Ông tức. “Chúng bay đang đối diện với ngày chung thẩm, thế mà còn dám cười với cợt nữa à ?” Đối với phần lớn chúng ta, hẳn là có một nẻo khác. Chúng ta dám vui là vì chúng ta biết rằng Con Đường Đăng Quang không phải là cứ đi mãi đi mãi đến vô tận được (thú thật là tôi chưa hề nhìn thấy Con Đường Đăng Quang bao giờ). Tât cả chúng ta đều được đưa vào một câu chuyện, câu chuyện này, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, đưa dẫn chúng ta tới niềm vui. Có điều chúng ta phải bám sát cốt truyện.
Đây là câu chuyện làm nên từng năm phụng vụ của chúng ta. Như tôi đã nói hôm qua, tôi tin rằng chúng ta còn cần nhiều hơn nữa. Chúng ta cần vun đắp một lối sống giúp chúng ta thưởng nếm sự nghỉ ngơi và niềm vui của Vương Quốc ngay từ bây giờ. Chúng ta cần một nhịp điệu cho cuộc sống – hằng tuần, hằng tháng, hằng năm – để giúp chúng ta triển nở hơn là chỉ để sống còn. Mặt khác, chúng ta có thể thực hiện được một chế độ giải trí điều độ và rồi sẽ thấy cuộc sống của chúng ta cũng như những vở soap opera, ngày này qua ngày nọ, hồi này nối tiếp hồi kia, nhưng không phải chẳng đưa chúng ta đến chỗ nào hết, cũng chẳng làm cho chúng ta tìm thấy bầu khí vui tươi đâu. Không biết có ai trong anh em ở đây đã xem phim “The Mysteries” (Các Huyền Nhiệm) chưa. Đây là một cuốn phim của Nam Phi, nói về một trò chơi huyền nhiệm. Nó dẫn chúng ta đi từ công trình sáng tạo thế giới đến cuộc Phục Sinh. Phim làm cho người ta cười từ đầu đến cuối. Đúng là phim vui, vì nó kể câu chuyện thật của chúng ta.
Thường thì chính Dân Thiên Chúa giữ cho kỷ niệm ấy luôn sống động khi chúng ta gặp nguy cơ quên kỷ niệm ấy. Chúng ta cũng cần nhắc nhở nhau. Khi Đức Giêsu ra đi đối diện với cái chết, đối diện với thất bại và sụp đổ, Người nói với các môn đệ : “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33). Trong cộng đoàn Kitô hữu, mỗi chúng ta đều là người bảo vệ gìn giữ những lời ấy cho nhau, để chúng ta được phấn chấn hơn, được mạnh dạn hơn. Là linh mục, chúng ta có thể duy trì kỷ niệm ấy cho nhau như thế nào ?

2 Priesthood in Reality : Living the vocation of a diocesan priest in a changing world, Bury Edmunds 1998, p. 88.

3 Sđd, tr. 59.

4 Changing face of Priesthood, tr. 15.
5 Sđd.
6 Journal d’un théologien 1946-1956, éd. Fouilloux, Paris 2000 tr. 271.

7 Chú giải về Siêu hình của Aristote.
8 L’éternité si proche. Giảng cấm phòng Mùa Chay 1995, tại nhà Thờ Đức Bà Paris, Paris 1995, tr. 140.

9 C.f. Jeremy Rifkin. The Age of Access : How the shift from ownership to access is transforming modern life. London 2000.
10 Chương trình truyền thanh hay truyền hình đề cập đến những biến cố hay những vấn đề của đời sống thường nhật, thường có vẻ ướt át (ND).
11 Richard Bauckham and Trevor Hart. Hope against Hope : Christian Eschatology in Contemporary Context. London 1999, tr. 26.