lundi 13 avril 2015

cơn khủng hoảng này có thể rất bổ ích

Phát biểu của cha Timothy Radcliffe trước Giáo sỹ đoàn Dublin, Ai-len

Vào tháng mười một vừa qua, Báo cáo Murphy (Rapport Murphy) đưa ra ánh sáng việc một số các giám mục Ai-len đã che giấu những hành vi lạm dụng tính dục đối với trẻ em của một số linh mục trong suốt hơn 30 năm1. Chính trong hoàn cảnh này, cha Timothy Radcliffe, tu sĩ đa minh người Anh, nguyên BTTQ dòng Anh em thuyết giáo, được mời thuyết trình vào cuối năm 2009 trước các thành viên của giáo sỹ đoàn của Tổng giáo phận Dublin (Ailen), để giúp các ngài suy tư nhằm đối diện trước tình trạng hết sức đau thương này.

Bản gốc tiếng anh của cha Timothy Radcliffe2

Hãy đến với ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề
(Mt 11, 25).

Thật là ưu ái và vinh dự cho tôi được ở đây giữa anh em ngày hôm nay. Tôi đã rất vui được cử hành một cuộc tĩnh tâm cho các giáo sỹ của tổng giáo phận này cách nay hai năm và tôi vui mừng vì lại được hiện diện giữa anh em một lần nữa. Đây là một thời điểm hết sức khó khăn đối với Giáo hội, tại Anh và Ai-len, nhưng còn hơn thế nữa đối với anh em vào lúc này.
Chủ đề của những ngày tĩnh tâm này là : “Hãy lui ra xa, và hãy nghỉ ngơi đôi chút”. Tôi tự nhủ rằng việc suy niệm bản văn của Mat-thêu gợi nên rất nhiều sự nghỉ ngơi : “Hãy đến với ta, hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, và ta, ta sẽ cho anh em nghỉ ngơi. Hãy mang lấy ách của ta, hãy trở nên môn đệ của ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và anh em sẽ tìm thấy sự an nghỉ. Đúng, ách của ta thì dễ dàng mang vác, và gánh của ta nhẹ nhàng”. Nên, tôi hy vọng rằng sẽ không nói đến những tranh luận về sự nghỉ ngơi và nếu anh em có an nghỉ đi nữa, thì đơn giản hãy tránh ngáy to tiếng !
Đức Giê-su nói với các môn đệ của mình : “Hãy đến với ta”. Đó là lời mời đến sự thân thiết. Các môn đệ được mời đến tìm kiếm sự an nghỉ trong tình bạn của ngài. Chính điểm này mà tôi mong muốn xem xét một chút. Cách thức mà chúng ta có thể, vào giai đoạn khó khăn này, tìm thấy sự nghỉ ngơi trong tình bằng hữu với Chúa.
Giáo hội đang trải qua một cơn khủng hoảng khủng khiếp, không chỉ duy nhất ở Ai-len, mà còn ở Anh, ở Hoa Kỳ và ở Úc. Tuy nhiên tôi cho rằng, như tôi đã nói đến trong cuộc tĩnh tâm này, chính khi đi qua những cơn khủng hoảng này mà chúng ta có thể tiến gần đến với Thiên Chúa. Những thời điểm tồi tệ nhất chưa từng được biết đến trong Israel là sự phá hủy Đền Thờ ở thế kỷ VI, việc bãi bỏ chế độ quân chủ và lưu đày bên Babylone. Israel đã mất tất cả cái mà nó đặt ra để làm nên căn tính của mình : việc tế tự, thể chế quốc gia và vương triều. Nhưng nó đã khám phá ra rằng Thiên Chúa chưa bao giờ gần gũi với nó như thế. Thiên Chúa hiện diện trong lề luật, nơi miệng lưỡi và trong lòng của những người dân, nơi họ ở, cho dù có cách xa Jerusalem. Ngày thứ hai, trong khi tôi chuẩn bị bản văn này, chúng ta đã hát kinh thần vụ Giờ Sáu : “Con vui thú với mệnh lệnh của Ngài/ và hết lòng yêu mến./ Mệnh lệnh Ngài, con giơ tay đón nhận,/ thánh chỉ Ngài, con sẽ ngẫm suy. ” (Tv 119, 47-48). Israel chỉ đánh mất Chúa để nhận ra ngài gần gũi hơn với điều mà họ chưa từng nghĩ tới.
Và Đức Giêsu, con người đầy bất ngờ này, đã hiện diện, phá bỏ luật yêu thương, ăn uống ngày sa-bát, đụng chạm đến những người ô uế và tiếp xúc với các cô gái điếm. Có vẻ như ngài đang cố gắng phá đổ mọi thứ mà dân này ưa thích, chính cách thức Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của họ. Nhưng đó là duy nhất vì Thiên Chúa muốn hiện diện theo cách thức còn thân thiết hơn nữa, như một trong số chúng ta, với dung mạo con người. Và mỗi thánh lễ, chúng ta nhớ lại cách thức mà chúng ta sắp mất ngài. Nhưng, một lần nữa, duy chỉ đối với việc lãnh nhận ngài còn gần hơn nữa, không như một con người giữa chúng ta nhưng như chính cuộc đời chúng ta.
Cuộc khủng hoảng đang nổi lên này là cơ hội để khám phá Đức Giêsu còn gần gũi chúng ta hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra. Tình trạng này là kết quả từ chính thất bại của chúng ta cũng như của Giáo hội, nhưng Thiên Chúa có thể làm từ đó một điều tốt, nếu chúng ta sống điều đó trong đức tin. Và chúng ta có thể vì thế mà an tâm. Một hôm tôi đang tán dóc theo thói quen về chủ đề này, một người anh em người Mỹ của tôi tặng tôi một chiếc áo T-shirt mà anh làm riêng cho tôi và trên áo có in hàng chữ “Không gì như một cuộc khủng hoảng tốt !”. Tôi định mặc ra đây để cho anh em xem, nhưng chiếc áo bị co lại cách không thể giải thích được và tôi không còn có thể chui được vào đó nữa !

Sức nặng gánh vác

Khi tôi còn là một tu sĩ sinh viên Đa Minh trẻ ở Blackfriars, Oxford, tu viện đã trở thành mục tiêu của một nhóm thiên hữu không chấp nhận những tham gia của chúng tôi với nhưng nguyên nhân hướng chiều có lợi cho cánh tả. Hai lần, những cá nhân này đã cho nổ giữa đêm khuya một vụ nổ nhỏ gây ra rất nhiều tiếng động ồn ào và tác động đến các cửa kính. Những vụ nổ đã đánh thức toàn bộ cộng đoàn, ngoại trừ cha Bề trên. Tôi đã khám phá với sự kinh ngạc những bộ đồ anh em mặc đi ngủ ! Pyjama, quần lót, không gì hết ! Cảnh sát và lính cứu hỏa đã đến. Tôi cuối cùng đã đi đánh thức Bề trên : “Fergus, tu viện bị tấn công, cha dậy ngay” “Có ai thiệt mạng không ?” “Không”. “Bị thương ?” “Không”. “Nếu vậy, thì để tôi ngủ và chúng ta sẽ xem xét vào sáng mai”. Đó là bài học thứ nhất tôi học được theo nghĩa quyền lực ! Đức Ki-tô đã chiến thắng. Chúng ta có thể sống bình an thanh thản cho dù có chuyện chi xảy ra đi nữa.
Câu hỏi được đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay là : làm sao sống cơn khủng khoảng này như thời cơ của ân huệ và đổi mới ? Chúng ta hãy tiếp tục nghiêng mình trước những lời của Đức Giê-su và nhìn xem những lời ấy gợi lên : “Hãy đến với tôi, hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, và tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi”.
Những tuần lễ vừa qua này, đối với phần lớn trong anh em đã phải cảm thấy rúng động dưới sức đè của gánh nặng này. Anh em hình như cảm thấy bị dồn nén bởi sức nặng của những vụ bê bối lạm dụng tình dục, bởi sự bất khả của nhiều vị giám mục trước vấn đề này trong suốt nhiều thập niên. Anh em hình như cảm thấy bị triệt hạ bởi cơn giận dữ của giới truyền thông, của một số giáo dân và còn tệ hơn nữa, bởi sự thất vọng, đầy buồn bã và đồng cảm, mà đôi khi họ làm chứng. Vào lúc này, mỗi khi tôi thuyết trình tại Anh, tôi thường ra về với tình trạng kiệt sức bởi cơn giận chống lại Giáo hội.
Làm sao chúng ta có thể phục tùng Thiên Chúa để ngài cất đi khỏi chúng ta sức nặng đang đè lên đôi vai của chúng ta ? Ngài nói : “Hãy đến với ta, hỡi tất cả những ai đang gồng gánh nặng nề”. Tất cả anh em : điều này có nghĩa rằng chúng ta, tất cả cùng nhau đến với ngài, với tất cả những ai đang đau khổ dưới gánh nặng nề. Chúng ta phải đến với ngài cùng với những người đang mang gánh nặng nề nhất, những nạn nhân của sự lạm dụng tình dục. Nếu chúng ta muốn đến gần với Chúa Giê-su, thì chúng ta phải giúp đỡ họ mang vác lấy gánh nặng của họ. Cử chỉ này có vẻ như là thêm vào gánh nặng phụ trội, nhưng rốt cuộc cũng sẽ cho phép cất gánh nặng đi khỏi đôi vai của chúng ta.
Tôi thú nhận rằng tôi sợ phải thực hiện việc này. Tôi sợ cơn giận và hình phạt của những người mà chúng ta đã bắt họ phải chịu những hành động tàn nhẫn. Khi tôi nghe nói về họ trình bày trên radio hay trên truyền hình, tôi hầu như không thể chịu đựng nổi. Tôi muốn tắt ngay tivi. Nhưng tình bạn hữu với Chúa kéo tôi tiến lên, cho dù có đau khổ, khi phải mang lấy gánh của họ, cũng như cơn giận dữ của họ và đau khổ của họ. Cũng như sự thất vọng và buồn phiền của Dân Chúa. Và chính những gánh nặng nề của những người anh em linh mục chúng ta những người đã lạm dụng những ngượi vị thành niên. Chúng ta phải giúp đỡ họ mang lấy gánh nặng này. Nếu chúng ta mang lấy gánh nặng của mỗi chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sự an nghỉ.
Theo Tin Mừng thánh Lu-ca, trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói với các môn đệ của mình : “Vì, thầy nói với anh em : để hoàn tất những điều Sách Thánh đã chép về Thầy : thầy sẽ bị kể vào chung số với những kẻ tội lỗi. Thực vậy, những gì liên quan đến Thầy sắp được thực hiện” (22, 37).
Nếu chúng ta muốn an nghỉ trong tình bằng hữu với Đức Giê-su, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị kể vào chung số với những kẻ tội lỗi. Một sơ Đa Minh tuyệt vời có quốc tịch Ai-len đã kể cho tôi về buổi họp mặt của đại gia đình có rất nhiều người tham dự. Và ở đó có một cây gia phả lớn, dưới mỗi cái tên là danh sách các con cháu. Dưới tên của vị nữ tu này cũng như dưới tên của người anh em họ của chị là linh mục nổi lên một dấu hỏi to tướng. Như để nói : “Này, chúng tôi không biết anh chị làm ăn thế nào”. Một ngày nọ, ở New York, vị giám tỉnh địa phương đã xin tôi đến gặp một người mà người này khẳng định đã bị xâm phạm tình dục bởi một tu sỹ Đa Minh đã qua đời từ rất lâu rồi. Thời gian tôi trải qua với ống ấy và bà vợ của ông là cực kỳ thử thách. Tóm lại, ông ta kêu lên rằng : “Chính anh đã làm cho tôi điều ấy !” Chúng tôi chính xác cùng tuổi với nhau. Tôi còn chưa từng nghe nói đến Dòng Đa Minh vào thời kỳ đó. Tôi định kêu lên : “Nhưng điều đó chẳng dính dáng đến tôi !”. Và thật hấp dẫn để bám vào những sự kiện được đảm bảo, chẳng hạn vào những nghiên cứu mà, tại Hoa Kỳ và Anh, cho thấy rằng trong thực tế những giáo sỹ khác thường có khuynh hướng tuân thủ bản án vi phạm hơn các linh mục công giáo, dù chính chúng ta cũng chịu mọi chỉ trích.

Thánh nhân và tội nhân

Một trong những cách thức tìm thấy sự an nghỉ hệ tại ở việc giải thoát khỏi gánh nặng buộc làm người đức hạnh. Thật là mệt mỏi phải thường trực cố gồng mình lên làm thánh. Các thánh thường nhắc đến những kẻ tội lỗi kinh khủng mà họ là, và những lời lẽ tuyên bố này thường với tôi có vẻ như rất là điên ! Thật quá tự phụ ! Nhưng, chú ý, họ ý thức rõ mối liên đới của họ với đám đông những kẻ tội lỗi bình thường.
Tổng giám mục Rembert Weakland, người đã phải từ chức theo sau vụ bê bối tính dục và tiền bạc, đã nhắc đến trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình hình thức giải phóng khỏi cơn khủng hoảng mà ông phải trải qua mang lại. Ngài cho biết : thánh nữ Thérèse Lisieux “một ngày nọ viết rằng ngài muốn giới thiệu với Chúa những bàn tay trống rỗng. Tôi tin rằng tôi biết cách riêng lúc này điều thánh nữ muốn nói qua những lời này. Tôi hiểu rõ biết bao bản chất con người thì mỏng dòn, biết bao nhiêu tôi cần sự ôm chặt lấy tình thương của Chúa”3.
H. G. Wells đã viết một điều mới mẻ về Phán xét. Một người tội lội nặng nề, vua Achab, kẻ thù của Élie, được đưa ra trước mặt Chúa để bị xét xử. Nhà vua thốt lên những tiếng kêu la và định cứu mình khi Thiên thần giữ sổ cái lớn tiếng đọc danh sách mọi tội lỗi của vua. Vua kết thúc bằng việc trốn vào tay áo của Chúa. Lúc đó bỗng xuất hiện một vị thánh ngôn sứ, chắc chắn là Élie. Ngài ngồi trong bàn tay của Chúa và lắng nghe những việc làm tốt với vẻ tự phụ. Rồi Thiên thần đi đến những hành động hơi đáng khen : “Sau một thời gian, vị thánh này bắt đầu chạy tứ tung trên bàn tay của Chúa ; chính ngài, cũng khẩn nài và van xin, dưới sự đả kích khắt khe chân lý khủng khiếp này ; như kẻ dữ, ngài tìm kiếm một nơi ẩn trốn trong tay áo của Chúa. Chúng ta có thể phân biệt điều đã xảy ra trong bóng tối của tay áo này. Hai con người ngồi cạnh nhau, bỏ đi mọi điều giả dối – như anh em, trú ngụ trong trang phục của tình bác ái Thiên Chúa. Và đó là chính là nơi mà đến lượt, tôi phải trốn vào”.4
Như thế, chúng ta hãy mang gánh nặng của mỗi người, của những nạn nhân, của những ai phạm vào những hành động tàn nhẫn, của Dân Thiên Chúa. Giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng mà nó hệ tại ở việc cố gắng khẳng định đức hạnh của chúng ta và tìm thấy sự nghỉ ngơi trong cánh tay áo của Chúa, với những kẻ đáng thương khác. “Hãy mang lấy ách của ta, hãy trở thành môn đệ của ta. […] Vâng, ách của ta dễ giàng, và gánh của ta nhẹ nhàng.”
Gánh của Đức Giê-su là Lề Luật của ngài. Trong Cựu ước (Hc 51, 26) và trong Do thái giáo của các ra-bi, Luật Torah là gánh nặng đè lên chúng ta. Như vậy tỏ ra tương phản với những người pha-ri-sêu “những người buộc những gánh nặng và chất lên vai người khác ; nhưng chính họ không muốn đụng ngón tay đến” (Mt 23, 4). Trái với điều của những người pha-ri-sêu, ách của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng.

Như những người Pha-ri-sêu

Nếu chúng ta đánh giá Giáo hội thân yêu của chúng ta trong những thế kỷ vừa qua, chúng ta thực sự có cảm giác rằng chúng ta cư xử như những người Pha-ri-sêu, khi đặt gánh nặng lên vai của dân chúng. Mặt này thường được kết hợp với thái độ đối với tính dục. Chúng ta nói với các gia đình đông con rằng không có bất cứ phương cách ngừa thai nào được cho phép, với người trẻ những người không có phương tiện kết hôn rằng họ phải kiểm soát hoạt động tính dục cách nghiêm ngặt nhất – hôn nhau không quá 10 giây – và với những người đồng tính rằng không có gì cho phép họ hết và họ phải xấu hổ với bản năng tính dục của họ. Nên, độc lập đầu đuôi với những giáo huấn của Giáo hội, những khuyến cáo này đã được những người tín hữu của chúng ta sống như gánh nặng nề. Và rồi họ khám phá ra rằng các linh mục những đã dồn ép họ lại phạm những tội liên quan đến giới tính theo cách còn trầm trọng hơn. Như những người pha-ri-sêu, khi không làm những gì mà họ rao giảng. Anh em có thể tưởng tượng ra cơn giận của một bà mẹ khi phải mang thai hết đưa này đến đứa khác và không còn có thể mang thai nữa, hay cơn giận của một bạn trẻ đồng tính, khi họ biết được về chính những gì mà một số các linh mục này đã gây nên tội !
Và cơn giận này còn bộc phát gay gắt hơn nữa khi ấu dâm trở thành TỘI liên quan đến giới tính. Trong xã hội thế tục như xã hội Anh, thực sự không có gì khác hơn. Chương trình Moral Meze, được BBC phát sóng tuần vừa qua, đã tập trung vào trường hợp của người phụ nữ được gọi là Người đẹp trong ngày (Belle de jour) và cô kiếm tiền để học tiến sỹ bằng cách “làm gái” bán thời gian. Phần lớn những khách mời của tiết mục này không tìm thấy điều gì để chống lại cô. Họ chỉ nhìn thấy ở đó một mối liên hệ theo hợp đồng giản đơn. Chúng ta làm những gì chúng ta muốn cho thân xác của chúng ta. Và phải chăng ác dâm không đúng là đã dự phần vào cốt lõi phức tạp của những kinh nghiệm tính dục ? Vì một lý do lạ lùng, tại Anh, nó có vẻ như hấp dẫn được tầng lớp thượng lưu của xã hội. Toàn bộ mối lo lắng xung quanh hành vi tính dục này, tất cả tình cảm nào đó không bình thường, toàn bộ nỗi kinh hoàng tập trung trên ấu dâm. Kẻ âu dâm là kẻ phạm tội nặng về tính dục, kẻ có tội duy nhất. Tôi không muốn bất cứ cách thức nào nhằm giảm nhẹ tính trầm trọng của tội ác thực sự ghê tởm và không thể tha thứ này, nhưng giúp để hiểu được cường độ của cơn giận này. Bạo hành tính dục đối trẻ vị thành niên, tôi nghĩ, là cột thu lôi cho tất cả mọi nỗi kinh hoàng của chúng ta liên quan đến sex và cách thức tách nó ra khỏi cái nhìn đạo đức.

Ý muốn của người thợ đồng hồ

Làm sao chúng ta làm nhẹ bớt gánh nặng đè trên những người khác và trên chính chúng ta ? Làm sao Đức Giê-su có thể giảng dạy cách thức chia sẻ ách của ngài, dễ dàng để mang cách nhẹ nhàng ? Nghe đây, chúng ta phải là người tốt và có lòng đồng cảm với những người khác và với chính chúng ta. Tôi chắc chắn rằng phần lớn đa số các linh mục của giáo phận này là như thế. Cho dù Herbert McCabe, một người anh em Ai-len, đã kể cho tôi rằng một ngày nọ, khi giải tội ở Dublin, anh ta đã mắng hối nhân kinh khủng ! Hối nhân này ra khỏi tòa giải tội, làm việc đền tội, rồi chờ đến khi linh mục ra khỏi tòa là xông đến mạt sát vị này còn dữ dội hơn nữa. Nếu ai trong quý vị muốn xưng tội, thì tôi sẽ sẵn sàng sau buổi thuyết trình này !
Tuy nhiên chúng ta cần cái gì đó còn triệt để hơn lòng tốt. Chúng ta cần đổi mới sự hiểu biết của chúng ta về điều có nghĩa là mang lấy ách của Các Điều răn của Chúa Giê-su. Chúng ta phải nghi vấn về ý tưởng chung theo đó luân lý tính trên hết là việc cấm và bắt buộc. Khái niệm theo đó là tốt lành trở về với việc thuần phục theo ý muốn của Vị Đại Hiến Binh (Grand Gendarme) trên trời đã bị vượt qua và sai lầm. Chắc chắn khi trút trách nhiệm lên Guillaume d’Okham5, nhưng còn xa với tôi như một tu sỹ Đa Minh ý tưởng về việc nhạo báng anh em Phan Sinh ! Tôi cho rằng cái nhìn luân lý chắc chắn này được áp đặt với thế kỷ của Thời Khai Sáng và nền văn hóa kiểm duyệt của nó. Thế kỷ của Ánh Sáng quan niệm thế giới và xã hội như một cơ chế trước khi được kiểm soát, hoàn toàn như chiếc đồng hồ. Và các luật lệ đạo đức phụ thuộc vào ý muốn của người thợ làm đồng hồ. Tốt hệ tại ở việc thuần phục ý muốn độc đoán của Chúa và Nhà nước. Để biết được điều gì bạn có quyền làm và điều gì bạn bị cấm.
Chúng ta phải đỡ đần cho mỗi người, bao gồm cả chính chúng ta nữa, khỏi gánh nặng nề này mà Vị Hiến Binh trên trời làm đại diện. Lúc khởi đầu, dù là trong dân Israel hay ở Giáo hội sơ khai, Mười Điều Răn không được nhận thức như ý muốn tuyệt đối của Chúa. Nếu chúng ta nhận thức được điều đó, thì một số trong chúng ta đây sẽ kết nối với với vấn đề của Bertrand Russell6, theo đó Mười điều răn phải được xem như những câu hỏi của một bài thi : không một thí sinh nào được vi phạm hơn sáu điều trong đó ! Trong Thế Chiến II, có một tu sỹ Đa Minh làm tuyên úy cho một trung đoàn quân Ba Lan. Đêm trước cuộc tấn công núi Cassin, khi ra khỏi trại, ngài thấy kinh hãi vì hàng ngàn binh sỹ đến xin xưng tội. Làm sao có thể thực hiện ? Vào thời đó, giải tội tập thể còn chưa được xem xét tới và hậu nhiên là còn bị cấm. Thế nên ngài mới mời tất cả các binh sĩ nằm úp mặt xuống đất, theo cách mà người này không thể nhìn thấy người kia. Rồi ngài nói : “Tôi sắp rảo qua danh sách Mười Điều Răn. Những ai đã phạm vào một điều răn nào thì giơ chân trái lên và chỉ cho biết bao nhiều lần bằng chân phải tội đã phạm”.
Mùa hè vừa qua tôi có một cuộc tranh luận hết sức thú vị với vị Rabbi đáng kính của nước Anh, Jonathan Sachs. Ngài đã dạy tôi rằng, trong sách Torah, không tồn tại từ mà khi dịch ra tương đương động từ “vâng phục”, theo nghĩa tuân phục ý muốn của ai đó theo một sự kiểm soát từ bên ngoài. Khi Nhà nước Israel được thành lập sau cuộc đại chiến thế giới, phải mượn đến một thuật ngữ trong tiếng Aram để diễn dịch khái niệm “vâng phục” trong sự chấp nhận hiện đại này. Trong thực tế, từ trong tiếng Do thái mà chúng ta dịch cách chung chung “vâng phục” có nghĩa “lắng nghe”. Mười Điều Răn không phải là một sự băt buộc cưỡng bức từ bên ngoài, nhưng luôn là một lời mời gọi cam kết với một mối quan hệ riêng tư với Chúa. “Ta là Yahvé, Chúa của ngươi, Người đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi nhà nô lệ. Người không được có thần nào khác ngoại trừ ta.” (Xh 20, 2-3). Những Điều răn dự phần vào tình bằng hữu của Chúa và vào sự tự do. Chúng được giao phó cho Moise, người mà Thiên Chúa đã nói chuyện như là bạn bè.
Cũng vậy với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su mặc khải Điều Răn mới của ngài cho các môn đệ vào đêm trước khi chết, vào chính lúc đó ngài tuyên bố rằng họ là bạn hữu của ngài. “Thầy gọi anh em là bạn hữu của thầy, vì tất cả những gì thầy biết nơi Cha thầy, thầy đã cho anh em hay” (Ga 15, 15)7.
Điều này giải thích một điều thực sự bất ngờ liên quan đến Đức Giê-su. Ngài ăn uống với các cô gái điếm và những người thu thuế ; ngài có những người bạn ít tin cậy. Ngài không chờ họ hoán cải để mời họ vào bàn dùng bữa với mình. Ngài không nói : “Nghe này Jeanne, một tuần nữa, con bỏ nghề đi, rồi con đến mừng lễ với ta” ! Ngài đơn thuần chấp nhận họ như họ đang là. Và tuy nhiên ngài rao truyền Bài giảng trên Núi. Ngài ra lệnh cho các môn đệ đưa má ra, yêu thương kẻ thù, không bao giờ được nổi giận, trở nên hoàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời. Ngài là người rất đòi hỏi.
Làm sao ngài có thể hòa giải hai phương diện này, tiếp đón không e dè, khoan dung bên ngoài, và ít nhất quá đòi hỏi ? Những đòi hỏi này là đòi hỏi của tình bạn của Chúa. Đó duy nhất trong khuôn khổ rất hữu hình của tình bằng hữu mà chúng ta có thể trao ban một giáo huấn luân lý.
Nên, đặc tính này có những hệ quả triệt để trên cách thức của Giáo hội giảng dạy một cái nhìn đạo đức. Điều chúng ta phải nói chỉ có nghĩa trong khuôn khổ của tình bằng hữu. Nếu quý vị muốn đề cập đến những vấn đề này như phá thai, ly dị và tái hôn, hay đồng tính luyến ái, thì chúng ta phải lưu ý đến những người liên quan. Chúng ta phải chấp nhận sự tiếp đón của họ và mời họ vào trong nhà của chúng ta. Khi tôi còn là sinh viên ở Paris, hồng y Daniélou chết trong thang máy, khi ngài đi thăm một cô gái điếm. Báo chí nói bóng gió với vẻ nghi ngờ. Nhưng tất cả những ai biết hồng y đều biết rằng phải nói đến một con người thánh thiện đã thực hiện nhiệm vụ của mình là đồng hành tinh thần nơi những người bị khinh chê, như ngài đã luôn làm điều đó. Ngài đã ban tặng tình bạn cho những người không được yêu thương.
Ách của Đức Giê-su thì dễ dàng mang vác và nhẹ nhàng vì nói đến sự ban tặng tình bằng hữu của ngài, và ngài chỉ có thể được chuyển đổi trong tình bằng hữu. Thực tế, điều phải được nói chỉ có thể được hiểu trong tình bạn. Chỉ duy nhất bên cạnh nhau, khi chia sẻ cuộc đấu tranh và cuộc điều tra, mà chúng ta đón nhận lời thích hợp nhất. Và lời này sẽ không bao giờ là gánh nặng nhưng là ân sủng.
Thông điệp này sẽ cực kỳ khó khăn để chuyển cho giới truyền thông. Họ thích những tuyên bố hay, đẹp và trong sáng, những tham chiếu là những vấn đề về cấm đoán. Nhưng phải nói rằng báo chí là sản phẩm thuần túy của tinh thần Ánh Sáng và văn hóa kiểm duyệt của nó. Điều này dẫn chúng ta đến một cách thức khác qua đó Đức Giê-su dạy chúng ta nghỉ ngơi và được bình an.
Tình bạn với Đức Giê-su, sự thân mật, nghĩa là học dịu dàng và khiêm nhường trong lòng. Nên, chúng ta sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn chúng ta. Nhưng tôi không chắc rằng khi ta nghĩ đến Giáo Hội công giáo, lời đầu tiên xuất hiện trong đầu là từ “khiêm nhường”. Thực vậy, tôi không tin rằng thuật ngữ này là đặc tính của mỗi giáo hội trong các Giáo hội mà tôi biết. Một ngày nọ, tôi tham dự vào một cuộc họp đại kết ở Bari và một vị tổng giám mục của một giáo hội khác đến gần tôi, ăn mặc lộng lẫy. Ngài hỏi tôi phải xưng hô thế nào đây : Quý cha nguyên BTTQ ? Quý cha đáng kính ? Quý Cha Timothy ? Trong lúc tinh nghịch, tôi trả lời rằng nếu ta muốn một cách rất chính thức, người ta có thể gọi tôi là “anh”. Rồi, ngài hỏi tôi đâu là biểu tượng của quyền lực của tôi với tư cách là Bề trên cả của Dòng. Phải chăng tôi đang giữ một hòm bí mật ? Một cây gậy như gậy giám mục ? Khi tôi trả lời rằng tôi chẳng có gì hết, thì vị giám mục kia bỏ đi và nói rằng, dĩ nhiên, tôi không xứng đáng để người ta nói với tôi những lời ấy.
Tôi cho rằng cơn khủng hoảng về tính dục này liên hệ chặt chẽ với vấn đề quyền lực và cách thức mà quyền lực này vận hành trong lòng Giáo hội ở mọi cấp độ, từ Vatican đến phòng thánh giáo xứ. Đừng nói đến quyền hành của Đức Giê-su, người luôn dịu dàng và khiêm nhường trong lòng. Tất cả những cơ chế của con người được tập trung trên cách dùng quyền. Thực sự tôi tin rằng với nền văn hóa kiểm duyệt có nguồn gốc từ thời Ánh Sáng, sự tuân thủ quyền lực bị hiểu sai. Charles Taylor, trong tác phẩm đáng chú ý A Secular Age8, lật lại sự phát triển của những yêu sách đối với quyền lực luôn ngày càng vươn rộng hơn. Chúng tôi thấy điều này thông qua sự lên ngôi của các vua trong chế độ quân chủ ở nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha, và sự phát triển của Nhà Nước trung ương tập quyền. Những người nghèo dừng lại để được nhận dạng như anh chị em của chúng ta trong Đức Ki-tô và trở nên một mối đe dọa. Họ phải bị giam giữ, như những bệnh nhân tâm thần. Chúng ta thực hiện quân đội chuyên nghiệp và những dịch vụ cảnh sát (service de police), và có một sự bùng nổ thực sự của sự lập pháp này.
Giáo hội, than ôi, thường bị chính nền văn hóa kiểm soát đạt đến. Tôi nhớ đến vị giám mục đã tuyên bố : “Chúng ta hoàn toàn bình đẳng trong giáo phận này, từ tôi cho đến người khiêm nhường nhất”. Và một người khác, nhân lễ tấn phong của người ấy, đã hứa phục vụ giáo phận với bàn tay sắt !
Tôi nghi ngờ rằng tất cả điều này phải liên quan đến việc Giáo hội, trong suốt hàng thế kỷ, phải đấu tranh chống lại các quyền lực của trần thế luôn tìm cách chiếm lấy nó. Từ Đế quốc La Mã cho đến các chế độ toàn trị, qua Đế quốc Anh, các đế quốc khác, Giáo hội luôn phải đấu tranh nhằm bảo vệ và duy trì sự làm chủ đời sống của chính mình, và thường kết thúc bằng việc thấm đẫm bởi chính nền văn hóa quyền lực này. Nên, chính nền văn hóa quyền lực ngự trị lúc khởi đầu của cơn khủng hoảng của các vụ lạm dụng tính dục, mà chúng đại diện cho sự lạm dụng quyền lực trên những người bé nhỏ và những người dễ bị tổn thương.
Chúng ta sẽ không có một Giáo hội vô hại cho giới trẻ như chúng ta học được từ Đức Ki-tô và chúng ta không trở nên một giáo hội khiêm hạ, trong đó chúng ta đều là con cái bình đẳng trước một Cha duy nhất. Đức Ki-tô sẽ cho chúng ta chỗ nghỉ ngơi cho tâm hồn chúng ta.
Trong Giờ kinh sách, tuần thứ nhất mùa Vọng, có một bài đọc tuyệt vời trích từ Sách Ngôn sứ Isaia. Bài đọc gợi hứng từ kinh nghiệm khủng hoảng và sự nhục nhã mà dân Chúa phải trải qua. Nhưng, đối với Isaia, kinh nghiệm này là lời hứa rằng họ lại chia sẻ chính sự sống của Chúa và bình an của Ngài ; “Vâng, đó sẽ là ngày của Đức Chúa đã giành sẵn để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, tất cả những gì tự cao tự đại : chúng sẽ bị hạ xuống, trị mọi cây hương bá Li-băng ngạo nghễ vươn cao, và mọi cây sồi xứ Ba-san, mọi quả núi ngạo nghễ, và mọi ngọn đồi vươn cao, mọi cây tháp cao vời và mọi tường lũy kiên cố.” (Is 2, 12-15). “trên khắp nui Si-on và tren những người hội họp ở đó, Đức Chúa sẽ tạo ra một đám mây ban ngày, một đám khói và ngọn lửa rực sáng ban đêm. Thật vậy, trên tất cả, vinh quang vinh quang của Chúa sẽ là tán che, là mái lều làm bóng râm ban ngày cho khỏi nóng, làm nơi nương ẩn khi bão táp mưa sa.” (Is 4, 5-6)

Một cơn khủng hoảng hiểu biết về hàng linh mục

Phải nói đến một cơn khủng hoảng khủng khiếp cho Giáo hội nhưng nó mang trên đó một lời hứa và những ân huệ, với điều kiện phải chấp nhận nó. Cơn khủng hoảng này vượt quá bên kia cơn khủng hoảng gây ra bởi những vụ lạm dụng tính dục đối với những trẻ vị thành niên của các linh mục và tu sỹ. Chính sự hiểu biết về hàng linh mục và về đời sống tu trì đang khủng hoảng. Cuộc Cải Cách đã là lời đáp trả cho cơn khủng hoảng xảy ra vào cuối thời Trung Cổ. Hình thức của hàng linh mục của chúng ta hoàn toàn bất khả để đối diện với một thế giới mới. Các giáo sỹ thực tế không được đào tạo đến nơi, chỉ có khả năng làm lễ và thường sống vợ chồng lén lút với phụ nữ. Chính các tu sỹ lại còn mờ ám hơn nữa. Một tục ngữ Tây Ban Nha khẳng định : “Đừng bao giờ giao túi tiền cho một tu sỹ dòng Tên. Và đừng bao giờ giao vợ cho thầy tu”. Nói khác đi, quý vị có thể để lại cho tôi túi tiền của quý vị với trọn niềm tin !
Cơn khủng hoảng này đã kéo theo một sự đổi mới kỳ diệu hàng linh mục, mà nó đi kèm với một linh đạo mới, các chủng viện mới, sự đào tạo thần học sâu sắc hơn, với những môn học mới. Nhưng sự đổi mới này thường cho thấy ấn tượng rằng chúng ta là những hoạn quan, là những sinh vật phi giới tính. Trẻ con sẽ tự hỏi rằng các nữ tu có cặp chân dài dưới tà áo dòng lòng thòng hay các sơ có thể di chuyển bằng pa-tanh không. Một ngày nọ, tôi giảng ở ngoài trời. Đang ứng khẩu trên bục giảng, tôi nghe thấy một em nhỏ nói với mẹ : “Mẹ ơi, tại sao ông ấy mặc váy ?”. Điều này đã làm vui nhộn cử tọa của tôi. Rồi một bản tay nhỏ vén phần dưới áo dòng của tôi : “Tốt rồi, mẹ ơi. Ông ta có mặc quần ở trong.”
Chúng ta sống cơn khủng hoảng hiểu biết về hàng linh mục, vì một thái độ xa cách với dân chúng, về sự sử dụng quyền lực và về sự áp dụng luân lý trong khuôn khổ kiểm soát. Cách đau đớn, Thiên Chúa phá bỏ những tòa tháp kiêu kỳ của chúng ta và sự tự phụ của chúng ta trước vinh quang và sự cao cả đối để có thể xây dựng ngôi nhà của ngài với chúng ta.
Phần lớn đa số các linh mục và các giám mục mà tôi gặp trên khắp thế giới là những con người khiêm nhường không tự phụ, những người chỉ mong ước được phục vụ Dân Chúa. Phần lớn các linh mục mà tôi biết mong ước được chia sẻ cuộc đời họ với các tín hữu và luôn sẵn sàng cho họ. Từ khi tôi bắt đầu du hành trong lòng Giáo hội, tôi cảm hóa sâu sắc điều này. Và tôi có cùng ấn tượng này khi gặp gỡ các linh mục của giáo phần này trong tuần tĩnh tâm này. Quý vị có thể rất tự hào về lòng khiêm nhường của quý vị. Và, thường, lòng khiêm nhường này còn ấn tượng hơn cả việc thách thức các cấu trúc và các truyền thống mà chúng phải đưa chúng ta lên những đỉnh cao và nâng chúng ta lên những tầm cao, với những danh hiệu quý giá, những trang phục kỳ diệu. Cơn khủng hoảng này hình như là khởi đầu của một cuộc đổi mới tuyệt vời của Giáo hội, qua đó chúng ta thực sự học được từ Đức Giê-su, “vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các người sẽ tìm thấy nơi an nghỉ”.

Các linh mục quá hành động

Lời cuối cùng tôi xin đề cập đến với quý vị là từ “nghỉ ngơi”. Đức Giê-su nói với các môn đệ khi họ kiệt sức : “Hãy đi vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”. Tôi hy vọng rằng thời gian trải qua với nhau ở đây sẽ là cho quý vị nghỉ ngơi và để cho quý vị chống lại cơn cám dỗ phải kiểm tra thư điện tử mỗi mười giây và chạy lăng xăng khắp nơi với chiếc điện thoại di động.
Chúng ta không thể trao ban lời hứa nghỉ ngơi của Đức Ki-tô nếu chính chúng ta không nhận ra chính mình như những cá nhân đôi khi phải biết đến tình trạng này. Các linh mục, dù sao, cũng thường quá hành động, nhưng cơn khủng hoảng hiện tại có nguy cơ làm trầm trọng thêm khuynh hướng này. Chúng ta hình như có cảm giác phải chứng tỏ rằng chúng ta là những linh mục đặc biệt tốt, nhằm phục vụ không ngừng những tín hữu của chúng ta, mà không giành riêng cho mình một giây phút nào. Phải nói đến ơn cứu độ bằng công việc, chứ không phải bằng ân sủng.
Thomas Merton đánh giá rằng quá năng động dẫn đến kết hợp với bao lực trong xã hội chúng ta : “Sự hối hả và những áp lực của cuộc sống hiện đại dưới một hình thức, có thể phổ biến nhất, của bạo lực nội tại của chính cuộc sống đó. Chúng ta để cho bị cuốn đi bởi nhiều mối bận tậm mâu thuẫn nhau, ngã ngục bởi quá nhiều lời xin xỏ, dính dáng đến quá nhiều dự án, muốn giúp đỡ tất cả mọi người rối tất cả những điều này quay trở lại đánh đổ với sự mãnh liệt. Còn tệ hơn nữa, phải nói đến sự hợp tác với bạo lực. Sự mãnh liệt của kẻ hoạt động là bão hòa khả năng riêng đạt đến sự bình an trong đời sống nội tâm. Nó phá hủy tính hiệu quả của công việc riêng của nó bởi vì nó giết chết đi những gốc rễ của sự không ngoan bên trong đem lại hiệu quả cho công việc”9
Nếu tính năng động đem lại bạo lực, thì điều này giải thích cách này hay cách khác. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta dùng những hình thức bạo lực riêng. Chúng ta dùng bạo lực cho chính chúng ta thông qua rượu hay ma túy. Chúng ta có nguy cơ trở nên bạo lực trên bình diện tình dục, đặc biệt với những con người dễ bị tổn thương.
Chúng ta cần, mà không phải xấu hổ, tìm được sự an nghỉ trong Chúa. Đoạn này rút ra từ tin mừng theo thánh Mát-thêu gợi lên một số cách thức mà chúng ta có thể tiến hành.
Chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi vì cơn khủng hoàng này có thể xác nhận có kết quả. Thời điểm của những lợi ích mới và một sự đổi mới của Giáo hội hình như đã đến. chúng ta có thể bình thản đối diện với nó, vì chiến thắng đã tới. Đức Ki-tô đã chết, Đức Ki-tô đã phục sinh, Đức Ki-tô sẽ trở lại. như Dietrich Bonhoeffer10 đã truyên bố điều này với người bạn của ông, giám mục giáo phận Chichester, Goerge Bell, trước khi bị Đức quốc xã hành hình : “Chiến thắng của chúng ta là chác chắn.”
Chúng ta có thể tìm thấy sự an nghỉ vì chúng ta không phải tự phụ, trái với những linh mục xấu xa, rằng chúng ta tốt kinh khủng. chúng ta có thể để cho rơi gánh nặng nề của chiếc mặt nạ đạo đức và chúng ta đến tị nạn trong cánh tay áo của Chúa.
Chúng ta có thể tìm thấy sự an nghỉ vì ách của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng. Những Điều Răn của ngài là lời mời gọi đến với tình bằng hữu. và tình bằng hữu đơi khi được đòi hỏi, nhưng nó không bao giờ là gánh nặng.
Và chúng ta cũng có thể bỏ rơi gánh nặng này mà nó hệ tại ở việc là những cá thể quan trong và mạnh mẽ.

1 Xem Documentation Catholique (DC) 2010, no 2443, tr. 317 và DC 2009, no 2427, tr. 694.
2 Dịch theo bản tiếng pháp của Christine Bouard-Schwartz trên Documentation Catholique 2010, no 2443, tr. 325 – 331. Tựa và các đề mục do DC đặt.
3 A Pilgrim in a Church : Memoire of a Catholic Archbishop, Cambridge 2009, tr. 5.
4 “Une vision de jugement dernier” trong Effrois et fantasmagories, H. G. Wells, dịch sang tiếng Pháp bởi Henry-D. Davray và B. Kozakiewicz, Mercure de France, 1911.
5 Guillaume d’Okham (khoảng 1285-9 tháng tư 1347), tu sỹ dòng Phan Sinh, triết gia, nhà logic học và thần học gia người Anh.
6 Nhà toán học và triết gia người Anh (1872 – 1970). Về điểm này, xem bài báo của T. Radcliffe, “Quelle forme pour l’Église de demain ? – Hình thức nào cho Giáo hội ngày mai ?”, đăng trên DC 2009, n. 2432, tr. 933-937.
7 T. Radcliffe, Je vous appelle amis, entretiens avec Guillaume Goubert, La Croix/ Le Cerf, 2000. Xem DC 2009, n. 2428, tr. 746.
8 Triết gia người Canada, tác giả của A Secular Age, Belknap/Havard University Press, 2007, 874tr.
9 Réflexions d’un spectateur coupable, Ed. Albin Michel, Paris, 1970.
10 Dietrich Bonhoeffer (1906 – 1945) là mục sư tin lành giáo hội Luther, thần học gia chống lại chủ nghĩa phát xít.

Aucun commentaire: